Độc đoán, áp đặt là cách không ít ông bố, bà mẹ sử dụng khi con trẻ không làm theo ý, yêu cầu của mình.
Theo chia sẻ của một số phụ huynh, đây là cách "bất đắc dĩ" xuất phát từ cảm giác bất lực khi nói trẻ không nghe lời, giải thích không được.
"Giải mã" hành động này của các phụ huynh, Thạc sĩ Nguyễn Thành Đoàn, Hiệp hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, nó xuất phát từ việc phụ huynh sợ con nghĩ là bố mẹ nhầm, bố mẹ sai, thiếu cương quyết gây ra "nhờn" sau này. Điều này thể hiện uy quyền của bố mẹ trong việc giáo dục trẻ xây dựng trên sự độc đoán.
Việc bố mẹ độc đoán để răn đe con trẻ sẽ gây ra nhiều tác hại đến sự phát triển của trẻ sau này. |
Cách làm này, có thể khiến trẻ trước mắt sẽ khiến trẻ "tuân lệnh" một cách bắt ép nhưng sẽ gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
Đầu tiên, việc bắt trẻ làm theo ý mình một cách độc đoán sẽ khiến phụ huynh không thể hiểu được hứng thú, sở thích của con mình là gì? Và không thấy sự phát triển và sáng tạo của trẻ.
Ngoài ra, nếu cách làm này được duy trì thường xuyên, sẽ khiến đứa trẻ khi lớn lên cũng chỉ biết nghe lời người khác. Hoặc, ngược lại, khi có điều kiện thì chúng sẽ bắt người khác tuân phải tuân lệnh mình như một sự trả thù cho những gì mình đã trải qua ở tuổi thơ.
"Tùy vào từng hoàn cảnh mà bố mẹ có những phương pháp giáo dục khác nhau nhưng nên theo hướng mở, để trẻ có sự sáng tạo chứ đừng biến con mình thành con rối, rô bốt", ông Đoàn gửi lời khuyên tới các phụ huynh chọn phương pháp xây dựng uy quyền trên sự độc đoán.
H.Minh