Trong vụ tai nạn thảm khốc khiến 7 người chết trên đèo Prenn, với hành vi không đặt biển cảnh báo khi tiến hành sửa chữa đường đèo, chủ đầu tư và đơn vị thi công có thể bị xử phạt.
Liên quan vụ tai nạn xe khách thảm khốc trên đèo Prenn khiến 7 người tử vong xảy ra vào trưa ngày 19/6, tại buổi họp sau tai nạn giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ Giao thông Vận tải, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho rằng, công tác thi công giữa đèo Prenn hết sức lỏng lẻo, đặc biệt là vấn đề không đặt biển báo từ xa.
“Khu vực đèo Prenn quanh co, nguy hiểm vậy mà tôi không thấy biển cảnh báo gì cả. Đối với tuyến đường này, đơn vị sửa chữa phải đặt biển từ xa để tài xế điều khiển phương tiện được biết” – Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc phát biểu.
Được biết, vụ Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và thương tâm trên đèo Prenn để lại nhiều đau thương cho thân nhân những người bị nạn. Cùng với đó, dư luận cũng đang đặt ra những trách nhiệm của đơn vị thi công và chủ đầu tư khi tiến hành sửa đường đèo mà không hề đặt bất kỳ biển cảnh báo này cho người tham gia giao thông.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo thông tin được đăng tải trên báo chí thì nguyên nhân vụ tai nạn có một phần trách nhiệm thuộc về đơn vị đang thi công, sửa chữa đường vì không đặt biển cảnh báo từ xa nên dễ dẫn đến các tình huống tai nạn.
Thời điểm xảy ra vụ tai nạn thảm khốc khiến 7 người tử vong, đơn vị thi công sửa đường trên đèo Prenn không đặt biển cảnh báo. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Cụ thể, với hành vi này, chủ đầu tư và đơn vị thi công có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, cụ thể:
Chủ đầu tư có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 15. Vi phạm quy định về giám sát thi công xây dựng công trình:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không treo biển báo tại công trường thi công hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định;”
- Đơn vị thi công có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 28 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở quy định (Vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình), nếu đơn vị thi công trong quá trình thi công không có biển báo an toàn thì có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Trường hợp nếu xác định lỗi trực tiếp của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự về Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
“1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Vũ Đậu