(Tinmoi.vn) – Khi TS Trần Đình Bá trình đề án đường bay vàng, tất cả các ban ngành liên quan đều cực lực phản đối với đủ lý do. Còn khi Bộ trưởng Đinh La Thăng “xắn tay” vào cuộc, đường bay vàng được “mở” trong sự đồng thuận và hưởng ứng…vô điều kiện.
Đề án đường bay thẳng Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh được TS Trần Đình Bá trình Cục Hàng không từ tháng 8 năm 2009. Theo TS Bá, dự án này sẽ mở ra một mô hình kinh doanh vận tải hiệu quả bằng biện pháp đổi mới đường bay, đánh đổi theo hướng có lợi khi bỏ ra chi phí 5% lệ phí quá cảnh cho Lào và Campuchia để lấy về 20% chi phí hiệu quả.
Theo tính toán của TS Bá, đường bay vòng đang “đốt” trên 300 triệu USD mỗi năm vốn liếng của các hãng hàng không trên đường bay nội địa. Điều này lý giải vì sao đường bay quốc tế có lãi trong khi đường bay nội thua lỗ. Với mạng đường bay vòng ở Việt Nam như hiện nay là trái với quy luật kinh tế hàng không. Để các hãng hàng không có lãi thì phải tiết kiệm, giảm giá vé cho dân và thiết lập các đường bay thẳng.
Tuy nhiên, đề án đường bay vàng đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía các cơ quan thẩm quyền. Năm 2012, Cục Hàng không đã trả lời các tính toán của TS Trần Đình Bá là thiếu thông tin nên chưa có cơ sở khoa học. Đại diện Vietnam Airlines cho rằng đề án của TS Trần Đình Bá chưa đầy đủ thông tin về an toàn hàng không, nên phía Vietnam Airlines chưa có ý kiến về tính hiệu quả của đề án. Ông Nguyễn Đình Công, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý hoạt động bay cho rằng, với đường bay thẳng của TS Bá, điểm giao cắt xuất hiện nhiều, cường độ của kiểm soát viên không lưu tăng lên. Đề xuất này cũng chưa có nhiều khả thi, và nếu có thời điểm thích hợp sẽ …nghiên cứu lại.
Bài toán hiệu quả kinh tế rõ ràng đã có lời giải nhưng ngành Hàng không Việt Nam vẫn chấp nhận an phận... “lỗ”
Và giấc mơ về một “đường bay vàng” bị đắp chiếu cho đến khi Bộ trưởng Đinh La Thăng vào cuộc với nhiều động thái cải tổ ngành hàng không. Bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Hàng nghiên cứu, lập đề án như đề xuất của TS Trần Đình Bá. Và hôm 21/8, Việt Nam đã nhận được đồng tình từ phía Campuchia để triển khai đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM qua không phận nước này, nghĩa là trong thời gian tới, đường bay vàng sẽ được mở. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đường bay thẳng qua Lào, Campuchia sẽ rút ngắn hành trình bay từ Hà Nội - TP HCM, tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho các hãng hàng không.
Vậy là trước đây, nếu người ta mang chủ đề đường bay vàng của TS Bá để lý luận về tính khoa học, về an toàn hàng không, kiểm soát không lưu…thì bây giờ, không thấy Cục hàng không hay bất cứ tổ chức nào đề cập tới vấn đề này. Ngược lại, tất cả còn cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng không nước nhà.
Câu hỏi đặt ra là tại sao khi Đề án được trình thì không một tổ chức đồng thuận và viện đủ các lý do để khẳng định tính không khả thi. Còn khi Bộ trưởng Thăng “quyết” làm thì không đơn vị nào dám “cãi”, cũng không có bất kỳ ý kiến phản đối nào. Vậy trong trường hợp này, có nên nhận định: mệnh lệnh, quyết sách của cá nhân Bộ trưởng Thăng đã có sức nặng xoay ngược tình thế?
Từ một đề án bị đưa lên đẩy xuống, bị bác bỏ vì cho rằng thiếu căn cứ, không khoa học, phi thực tế đã trở thành một đề án có đóng góp quan trọng và có nhiều lợi ích đối với sự phát triển của nền hàng không nước nhà. Đường bay vàng ra đời có nên xem là công sức của Bộ trưởng Thăng hay chính là kết quả của việc mạnh dạn loại bỏ những tư duy an phận, không muốn đổi mới, không hiệu quả để hướng tới giảm giá thành, tăng thế cạnh tranh trong ngành hàng không?
Và nghịch lý là tất cả các yếu tố “cơ sở khoa học, khả dụng với thực tiễn, hiệu quả kinh tế, khả thi” của một đề án chỉ được thừa nhận khi xuất hiện một ông Bộ trưởng vừa “quyết”, vừa “làm” và đã “làm tới cùng”.
Vũ Đậu