Đây là năm thứ 11 làm trưởng phòng và năm thứ 6 bác sĩ Dũng đón giao thừa ở bệnh viện cùng các bệnh nhân của mình.
Những câu chuyện trong Viện sức khỏe tâm thần
-“Cô không ăn bánh đâu, cô bị tiểu đường, cho cô xin ngụm nước thôi” – một người phụ nữ trung niên nói với nhóm thanh niên.
-“Ừ đây, các cháu cho bà nước, không cho bà bánh đâu, bà ăn đi”, người chồng nắm chặt tay vợ rồi khẽ nói khi bà đang hướng đôi mắt nhìn rất lâu chai nước cầm trên tay.
Nói rồi hai bóng người ấy lại bước đi trong cái lạnh chiều đông ngày cuối năm.
“Bạn có biết cô ấy giống bạn điểm gì không? Cô ấy cũng bị mất ngủ đấy”, ở ghế đá bên cạnh, một cô gái trạc 20 tuổi đang trò chuyện với bạn mình khi cô bạn cũng đang hướng đôi mắt về 1 nơi khác, xa xăm.
Đó là những câu chuyện tôi ghi nhận được vào những ngày cuối năm tại Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Đi qua những ánh mắt như vô hồn ấy, chúng tôi bắt gặp những câu chuyện buồn nhiều, vui ít được chia sẻ từ TS. BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần – Viện sức khỏe tâm thần.
TS. BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần |
Đây là năm thứ 11 làm trưởng phòng và năm thứ 6 bác sĩ Dũng đón giao thừa ở bệnh viện cùng các bệnh nhân của mình. Không biết tự khi nào, người bác sỹ này đã coi “bệnh viện là nhà, bệnh nhân là người thân” của mình. Ông cũng không nhớ đã bao lần mình phải thầm khóc khi chứng kiến những tiếng cười, tiếng hét, tiếng khóc... vô cảm của bệnh nhân đang điều trị.
Bác sĩ Dũng kể rằng, từ bé ông đã phải sống cuộc sống xa gia đình nên rất thấu hiểu tâm trạng của những người xa nhà đặc biệt vào ngày lễ tết là ngày người ta sum họp và cần mái ấm gia đình
“Trong Viện Tâm thần có nhiều bác sĩ, nhân viên y tế, bản thân tôi cũng có con nhỏ, trong thâm tâm luôn muốn được chung vui cùng gia đình. Nhưng nếu tôi về lại có người khác ở lại, họ là những người trẻ hơn...
Nếu giúp được họ điều gì tôi luôn sẵn sàng. Điều tôi mong nhất là cán bộ của mình không buồn và hàng trăm bệnh nhân có mình bên cạnh, họ sẽ cảm thấy an tâm hơn.
Nhưng đó lại là những khoảnh khắc vui buồn lẫn lộn. Vui nhất là được gần bệnh nhân trong giây phút giao thoa hai năm. Buồn nhất là bệnh tật của bệnh nhân chưa được chữa khỏi và nhiều người phải đón tết tại bệnh viện”, bác sĩ Dũng trải lòng.
Đi qua những câu chuyện buồn của người tâm thần
Nói rồi, bác sĩ Dũng kể chúng tôi nghe câu chuyện của 1 nam thanh niên là con độc nhất của vị cán bộ cao cấp ở nội thành Hà Nội nhưng mắc chứng rối loạn tâm thần.
Chồng đi công tác suốt, vợ ở nhà đưa con đi hết thầy cúng này rồi lại thầy cúng khác vì họ không hiểu tâm thần là gì, tâm thần đến với con người như thế nào. Và điểm dừng để đưa nam thanh niên ấy trở về cuộc sống thường ngày lại là Viện sức khỏe tâm thần. Mặc dù lúc này bệnh tình của cậu bé đã tương đối nặng.
“Khi họ đưa con tới viện thì cả 1 dòng họ cùng tới viện, cùng trải chiếu, nilon, cùng ăn tết và cùng làm vui cho đứa con đó bằng những bó hoa và quà như những con gấu, túi quà nhỏ. Họ còn mua cả bia, nước ngọt, bánh mì, bánh chưng... cho tất cả mọi người ở lại. Năm ấy là Tết 2011, ở viện có 56 bệnh nhân và kíp trực gồm 7 người”, bác sĩ Dũng hồi tưởng.
Bác sĩ Dũng nhận lẵng hoa do bệnh nhân tự tay làm. |
Rồi bất chợt, nước mắt của vị trưởng khoa ấy rơi. Ông khóc khi nhớ lại câu chuyện của 1 gia đình nghèo ở Thanh Hóa, cuộc sống quanh năm gắn với con thuyền chở người qua sông để kiếm tiền.
Họ có 1 người con gái, học hành giỏi giang. Và người con gái ấy “gánh” trên vai rất nhiều kì vọng mà bố mẹ đặt vào mình.
Khi sự kì vọng trở nên quá lớn, H. (tên người con gái – PV) bị sang chấn tâm lý và thất bại trong việc học tập.
Ngặt nỗi, gia đình lại không chấp nhận con mình bị bệnh mà cho rằng ma tà đang nhập vào H. nên dồn hết tiền chữa trị cho con. Thậm chí, họ chấp nhận bán hết mọi thứ trên bờ để lênh đênh trên thuyền, kiếm tiền mong chữa lành bệnh cho con gái.
Rồi: “Họ cho con nhập viện đúng dịp Tết Nguyên đán năm 2010. Ông bố từ khi vào chăm con cho tới khi về chỉ có duy nhất 1 bộ quần áo. Tôi đã tặng ông ấy mấy bộ quần áo của mình.
Mỗi lần nghĩ lại chuyện đó là tôi khóc. Tình cảm lắm. Bấy giờ tôi cũng vừa làm quen với công việc trực tết đêm giao thừa...”, bác sĩ Dũng vừa thở dài vừa cười.
Như thành thông lệ, các tết bác sĩ Dũng đều làm mâm cơm. Bàn thờ cúng để ở giữa sân Viện thắp hương. Sau khi mọi người đón giao thừa xong, từ bệnh nhân cho tới người nhà đều ra thắp hương tại đó. Lúc này, có những người khóc để vơi đi nỗi buồn xa nhà.
“Bệnh nhân có bị tâm thần hay bị điên thực sự thì người ta cũng là con người. Điều đau khổ nhất của họ là họ không hình dung được đó là những ngày vui của 1 xã hội, 1 cá nhân hay gia đình. Lúc đó, người ta hò hát nhiều hơn, họ tung hô những điều vô nghĩa.
Người tâm thần khác biệt người thường ở chỗ, đó là lúc mình bình thường người ta la hét, mình vui nhộn người ta hò hét, người ta làm những điều rất kì dị”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của vị trưởng khoa này, dịp hè và giáp Tết là thời điểm bệnh nhân nhập viện nhiều với nhiều trường hợp, chủ yếu là rối loạn tâm thần do stress, lo âu.
Nguyên nhân vì lúc này người thân trong gia đình được nghỉ, họ có thời gian, điều kiện đưa người nhà vào viện khám chữa bệnh và chăm sóc.
Nguyễn Huệ