Độc giả Hương Giang gửi một bức thư dài tới cô gái Phạm Tâm, tác giả bài viết "Lấy chồng sôi máu", phân tích vì sao người trẻ thường vỡ mộng khi kết hôn.
Bức thư “lấy chồng khổ sôi máu” trên một diễn đàn mạng hiện đang là tâm điểm bàn luận của nhiều cô gái trẻ cũng như các phụ nữ đã có gia đình. Trên Zing.vn, bức tâm thư này cũng nhận được rất đông ý kiến từ phía độc giả.
Ảnh minh họa.
Điều đáng chú ý là số lượng người thông cảm không hề chiếm ưu thế. Trái lại, có những chia sẻ tâm huyết, mang ý kiến phản bác lại bức thư của Phạm Tâm. Đa số cho rằng khi đã xác định lập gia đình, người phụ nữ nên thay đổi suy nghĩ để sống thực tế hơn. Chị em cũng cần bớt cầu toàn, nhìn nhận mọi sự việc theo chiều hướng nhẹ nhàng, lạc quan để cảm thấy vai trò làm mẹ, làm vợ không quá nặng nề, vất vả, như thế mới mong tìm được hạnh phúc.
Trong số đó, một độc giả tên Hương Giang đã có những chia sẻ, phân tích khá thuyết phục.
Bức thư độc giả Hương Giang gửi phản bác việc "lấy chồng sôi máu":
Chào em, tôi cũng là phụ nữ, hơn em vài tuổi, cũng lập gia đình được 6 năm và đã có 2 bé. Sau khi đọc tâm thư của em tôi có ý kiến thế này.
Tôi thừa nhận kết hôn là một bước ngoặt lớn nhất đối với người phụ nữ, nhưng câu chuyện tình yêu màu hồng chuyển sang màu xanh, tím hay đỏ (như em nói)…, còn tùy thuộc vào tính cách và số phận của mỗi người.
Tôi nói đến tính cách trước, bởi đó là yếu tố chủ quan, hạnh phúc của mình do chính mình tạo nên và nhìn nhận. Tôi quan sát quanh bạn bè mình, so sánh những người có điều kiện hoàn cảnh tương đương, nhận ra rằng: cũng kết hôn, cũng sinh nở, song có cô luôn đầu bù tóc rối, chán nản, mệt mỏi vì chồng con, nhưng có cô thì vẫn xinh đẹp, thích… đẻ, thậm chí còn khẳng định: “Nhà phải vài đứa mới vui!”.
Có cô đầu bù tóc rối thường chăm chỉ, nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, mọi việc từ nhỏ bé như bế con, thay bỉm tã, cho con ăn đến việc lớn hơn là dạy con học, cơm nước, lau quét nhà cửa…, đều đến tay, đều ôm hết về mình. Những cô này không thích để chồng làm vì "chờ được mấy lão đó thì mình đi làm cho xong!”. Thế nên, các cô đương nhiên chẳng có thời gian ngắm vuốt hay quần áo, chăm chút cho bản thân. Chính việc bận rộn quá thành ra cáu bẳn và dễ "sôi máu".
Trái lại, cô thích đẻ lại thường lười hơn, nhà cửa đừng quá bẩn là sống được. Đã thế, mấy cô này còn xấu tính, hay so đo, mọi việc đều chia đôi với chồng, chẳng hạn: “Tôi nấu cơm thì anh rửa bát, tôi cho con ăn thì anh bế con”.
Họ cũng thường thuộc nhóm phụ nữ chăm đi chơi, có khi con 5-6 tháng đã vác đi khắp nơi, chẳng giống mấy cô đầu bù tóc rối, suốt ngày lo con nhỏ ra đường là ốm. Vì thích la cà, giao lưu, đương nhiên họ phải chăm trau chuốt ngoại hình hơn. Có khi con “xấu xấu, bẩn bẩn” nhưng mẹ thì luôn xinh đẹp, lộng lẫy, được mọi người khen: “Đẻ mấy đứa rồi mà như chưa gì”.
Vậy là vô tình, cô đảm đang, tốt nết theo đúng tiêu chí công-dung-ngôn-hạnh ngày xưa lại khổ hơn cô xấu nết, đoảng vị, ham chơi.
Thêm một kiểu nữa, có cô lấy chồng có người giúp việc, bố mẹ hai bên hỗ trợ đủ đầy, thế mà vẫn kêu khổ, mở miệng là chê chồng, nhiếc con, đay nghiến bố mẹ chồng và khẳng định: “Hôn nhân chẳng khác nấm mồ của tình yêu”. Trong khi đó, có người điều kiện kinh tế vừa vừa, tự thân vận động hết nhưng rất lạc quan vui vẻ, còn bảo: “Biết lấy chồng tự do, sung sướng thế này thì lấy sớm vài năm, đỡ bị bố mẹ quản giáo”.
Có cô chuyên than vãn thì chuyện bé xé ra to và dễ tự nhiên sôi máu. Chồng chỉ lỡ mặc trái cho con là đã sưng xỉa, dè bỉu “vô tích sự”. Sáng con tè dầm một bãi đã bực bội, mặt như đâm lê với người xung quanh, đương nhiên là có cả chồng trong đó.
Cô lạc quan thì khác, chồng vô ý để con ngã sưng trán cũng chẳng sao, cho rằng “bộ đội thế là thường”. Chồng cho con ăn bột nhoe nhoét, bẩn thỉu cũng chỉ nhoẻn miệng cười: “Đàn ông làm được thế là tốt lắm rồi!”. Chỉ nhìn qua, trẻ con cũng phán đoán ra, cô nào được chồng yêu hơn và hôn nhân của cô nào màu hồng hơn. Và phải chăng, rất nhiều chị em khi lấy chồng thường tự làm mình khổ sôi máu?
Tất nhiên, đây là nói đến yếu tố chủ quan. Với những trường hợp phụ nữ xấu số gặp phải kẻ trăng hoa, vũ phu, ham chơi, lười biếng… có lẽ miễn bàn. Đó là yếu tố khách quan mang tên "số phận" và bất khả kháng. Nhưng từ xưa tới nay, nhân định thắng thiên cũng nhiều. Chung qui, lấy chồng sướng hay khổ, có lẽ phần lớn do tài nghệ của mỗi chị em phụ nữ. Trước khi lấy chồng, cô gái khôn ngoan, biết nhắm đúng đối tượng thì hôn nhân khó hóa nấm mồ. Kết hôn rồi, người vợ khôn khéo biết "huấn luyện chồng" thì dù tình yêu không còn là cổ tích thì cũng không đến mức bi kịch.
Hơn nữa, phụ nữ rất yếu mềm lắm, dù có “giận sôi máu, bận sôi máu, cáu sôi máu” thì vẫn còn hơn phải cô đơn đến “lạnh máu”. Chúng ta mãi mãi vẫn một bờ vai người đàn ông, một mái ấm gia đình.
Theo độc giả Hương Giang/Zing