Liên quan đến vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu một số chuyên gia cho rằng không nên cứng nhắc, cần có cơ chế linh hoạt với từng đối tượng lao động.
Liên quan đến việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án về tuổi nghỉ hưu, trong đó có phương án từ 1.1.2021 sẽ tăng tuổi nghỉ hưu lên đến 62 (đối với nam) và 60 ( đối với nữ) đã gặp phải những phản ứng trái chiều từ các chuyên gia.
Tăng tuổi nghỉ hưu không nên cứng nhắc (Ảnh minh họa). |
Một số chuyên gia cho rằng không nên đưa vào luật, số khác lại cho rằng tăng nhưng vận dụng hình thức linh hoạt, không quy định cứng ngắc để phù hợp nhu cầu từng đối tượng.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng tuổi nghỉ hưu như hiện hành là nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi đã được quy định từ năm 1961. Suốt hơn 50 qua, không hề điều chỉnh Chính sách về tuổi nghỉ hưu. Đối với các nước cũng đã thực hiện nâng dần tuổi nghỉ hưu, nhiều nước đang thực hiện nghỉ hưu ở độ tuổi 65, 67 tuổi.
“Có rất nhiều tính toán, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn cần phải nâng tuổi nghỉ hưu. Chúng ta cũng mong muốn thu hẹp khoảng cách nghỉ hưu của nam và nữ, đây cũng là hướng đến việc không phân biệt đối xử về giới"- thứ trưởng Diệp nói.
Bàn về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là một yêu cầu rất cần thiết vì đây là xu hướng chung của thế giới. “Tôi nghĩ việc này là cần thiết nhưng cũng nên thực hiện linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, nên có một cơ chế với các lĩnh vực hành chính và một số khu vực doanh nghiệp. Khi nâng tuổi nghỉ hưu cũng nên để người lao động có quyền lựa chọn”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, đối với lĩnh vực sản xuất do người lao động làm việc vất vả hơn nên sức lao động bị suy giảm nhanh, do đó nên cho người lao động quyền được nghỉ theo yêu cầu, nếu người lao động có nguyện vọng muốn tiếp tục làm việc thì được làm thêm. Bằng cách này vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mọi chính sách đều hướng tới bảo đảm quyền lợi cho người lao động (Ảnh: khoảnh khắc Thủ tướng về thăm và ăn bữa cơm cùng công nhân ở Đồng Nai - Hồ Văn) |
Theo GS.TS.Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng viện dân số & các vấn đề xã hội, tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên khuyến khích, không nên cứng nhắc đưa vào luật. Ai còn sức khỏe, có nhu cầu tiếp tục làm việc thì đáp ứng nguyện vọng cho họ kéo dài tuổi hưu, ai không muốn cũng để họ về hưu đúng tuổi. Như ở Nhật và một số nước tiên tiến khác họ đang áp dụng mô hình linh hoạt này. Việt Nam ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, cần linh hoạt, không nên quy định cứng nhắc về tăng tuổi nghỉ hưu.
“Tôi nghĩ phương án này nên thực hiện vì đây là xu hướng chung của thế giới nếu không sẽ rất lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm xã hội. Tôi đồng tình khi có sự ủng hộ của người lao động, họ có quyền nghỉ ở một độ tuổi nào đó nhưng cũng có quyền làm thêm theo thời gian quy định của nhà nước”, ông Lộc cho biết.
Ở góc độ đại diện người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề liên quan đến rất nhiều đối tượng, do đó phải hết sức thận trọng chứ không phải cứ nói tăng tuổi là tăng. “Công nhân bây giờ lao động trực tiếp, lao động chân tay, cơ bắp thì làm sao đảm bảo đủ sức khỏe mà chúng ta cứ đi so sánh với quốc tế làm bằng công nghệ hiện đại, bằng trí óc”, ông Chính cho biết.
Do đó theo ông Chính, tùy từng đối tượng mà có phương án linh hoạt, đặc biệt liên quan đến đối tượng nào thì phải lấy ý kiến của đối tượng đó chứ không phải đồng nhất. “Quan điểm của Tổng LĐLĐVN là có điều chỉnh cũng phải lựa chọn một số đối tượng để tính toán cho phù hợp”, ông Chính nhấn mạnh.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, dự thảo luật này sẽ được Bộ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1/2017 và trình lên Quốc hội vào tháng 4/2017. Hiện dự thảo đang được Bộ này lấy ý kiến rộng rãi của người dân và chuyên gia.
Trang Vũ (tổng hợp)