Mùa thu đến, không chỉ các em học sinh hân hoan tựu trường mà người dân cả nước như đang sống lại không khí hào hùng của Tết Độc Lập. Và tôi cũng là một người trẻ như thế.
70 năm - một quãng thời gian khá “khiêm tốn” so với chiều dài lịch sử dân tộc, nhưng cũng đủ để thắp lên ánh sáng tự hào soi rọi hành trình cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt. Những người trẻ chúng tôi không được trải nghiệm giờ khắc thiêng liêng của lịch sử khi bản Tuyên ngôn độc lập qua giọng nói của vị cha già dân tộc âm vang lời sông núi cất lên trên quảng trường Ba Đình ngày thu năm ấy: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Dù vậy, cứ mỗi năm, đến dịp thu về, chúng tôi cũng cảm nhận được phần nào hào khí non sông ngày Độc Lập qua những thước phim ghi lại cùng lời kể của ông bà, như lửa được một lần phát hiện ra từ đá và cháy mãi đến tận bây giờ.
Lá cờ độc lập, tự do của dân tộc. Ảnh: Internet |
Tuổi thơ tôi lớn lên với tiếng ru của mẹ, bên cánh võng của bà và sự che chở của cha, chẳng phải oằn mình trong mưa bom bão đạn, cũng không phải chịu cay đắng tủi hờn với nỗi đau mất nước “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây” như ca từ ngậm ngùi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi hiểu rằng, mình thực sự may mắn và hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, rằng để có được cuộc sống như ngày hôm nay, biết bao máu xương của thế hệ cha ông đi trước đã đổ xuống để giành được Độc Lập và Tự Do cho mỗi người Việt hôm nay.
Tôi nhớ mãi những ngày thơ bé, mỗi khi đến ngày Tết Độc Lập của dân tộc, giọng ông tôi run run khi nhắc đến cảm xúc được nghe lại lời Tuyên ngôn độc lập qua đài phát thanh. Ông nói lúc đấy hạnh phúc lắm! Tôi không biết ông hạnh phúc đến nhường nào, chỉ thấy mắt ông rơm rớm. Các bác tôi hồi đó nhỏ xíu nên thấy cờ đỏ sao vàng ngập trời, người lớn ăn mặc đẹp, cũng vui theo, cha mẹ tôi không được chứng kiến nhưng cũng kể lại cho tôi nghe những năm kỷ niệm Tết Độc Lập sau này.
Còn tôi, tôi cảm nhận hạnh phúc theo cách của riêng mình. Tôi còn nhớ thời đi học, kỷ niệm ngày lễ này thường gần ngày khai giảng nên vui vì được đến trường, cầm cờ hoa, mặc quần áo đẹp, thả bóng bay là thấy thích thú rồi. Lớn lên một chút, cứ đến ngày lễ này là được nghỉ học, đi chơi vườn thú, công viên, rạp xiếc,… thấy phố phường tấp nập đèn hoa lung linh càng khiến một đứa trẻ là tôi vui sướng.
Nhưng dần dần tôi lại cảm nhận niềm vui một cách “trưởng thành” hơn. Cứ mỗi khi thu đến, chỉ cần một cơn gió thoảng hay mùi hương hoa sữa phảng phất trên những con đường mình qua, là tôi lại thấy lâng lâng đến lạ. Phố phường được trang hoàng đẹp đẽ hơn, rực rỡ hơn, tràn ngập màu cờ đỏ sao vàng ở từng ngôi nhà, góc phố; tiếng loa phát thanh vang những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước; những chương trình, buổi lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2/9 được tổ chức trong niềm hân hoan của người dân, và đặc biệt là khí thế hào hùng của Lễ diễu binh, diễu hành càng khiến tôi cảm thấy tự hào về Tổ quốc nơi tôi sinh ra.
Quá khứ đã khuất xa, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại cho đến ngày hôm nay, nhắc nhở chúng tôi – thế hệ trẻ phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều. Chúng tôi hiểu rằng, cha ông đã hy sinh xương máu để giành lấy độc lập, tự do, còn thế hệ chúng tôi sẽ cống hiến chất xám và sức lực của mình để Việt Nam có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” theo ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng, đó cũng là tâm nguyện trong tim của mỗi người Việt trẻ như tôi, thế hệ đang được sống, học tập và làm việc trong những ngày âm vang hào khí của mùa thu Cách mạng, của Tết Độc Lập 2/9.
Thu Thảo