Khắc nghiệt, nguy hiểm và khó tiếp cận là những từ miêu tả địa điểm trên Trái Đất mà con người chưa từng đặt chân đến.
Với sức mạnh công nghệ hiện đại ngày nay, con người đã có những bước tiến vĩ đại trong việc chính phục vũ trụ. Mặc dù vậy, ngay trên chính Trái Đất của chúng ta, từ đại dương cho đến những đỉnh núi cao hay cánh rừng cổ đại nguyên sinh... vẫn có những địa điểm mà con người chưa thể đặt chân tới.
Chính vì chưa thể đặt chân tới, chưa từng tận mắt khám phá "lãnh địa" mới nên những địa điểm này trở thành những khu vực bí ẩn và khơi gợi trí tò mò lớn nhất đối với các nhà thám hiểm và giới khoa học.
1. Đỉnh núi Gangkhar Puensum chưa từng có dấu chân con người
Cao 7.570 mét, đỉnh núi Gangkhar Puensum ở biên giới Bhutan và vùng Tây Tạng là đỉnh núi cao nhất thế giới chưa có bước chân của con người.
Được đo đạc lần đầu tiên vào năm 1922, Gangkhar Puensum xếp thứ 40 trong danh sách những ngọn núi cao nhất thế giới (tính cả những núi đã được chinh phục và chưa chinh phục). Tuy nhiên, độ cao này chỉ là tương đối vì cho đến nay chưa ai đặt chân lên đỉnh của nó.
Kể từ khi phát hiện, rất nhiều nhà thám hiểm và nhà leo núi đã thực hiện hành trình chinh phục đỉnh núi lạnh giá này. Tuy nhiên, về sau vì lý do tâm linh và bảo toàn sinh thái nên chính quyền của Bhutan đã cấm không cho các nhà thám hiểm, khách du lịch đặt chân lên đây từ năm 2003.
2. Hồ dung nham lớn nhất thế giới
Địa điểm thứ hai thách thức dấu chân của con người chính là hồ dung nham trên ngọn núi lửa Nyiragongo ở Congo. Rộng 2km, hồ chứa dung nham nóng hàng nghìn độ C ở Congo (châu Phi) trở thành hồ dung nham lớn nhất thế giới và chưa từng được con người tiếp cận nghiên cứu.
Vì sao, đó là bởi lượng khí cực độc thoát ra cực lớn từ hồ có thể khiến các nhà khoa học mất mạng nếu sơ sẩy.
3. "Hố địa ngục" Sarisariñama
Tại khu vực rừng Amazon thuộc lãnh thổ Venezuela tồn tại những ngọn núi có đỉnh bằng phẳng như mặt bàn (gọi là Tepuy). Không chỉ là "ngôi nhà" của các loài động vật và thực vật nguyên sinh sinh sống, ở đỉnh của tepuy còn có những chiếc hố sâu, khổng lồ.
Nhà khoa học đưa ra ước tính ban đầu rằng những chiếc hố sâu này hình thành khoảng 1.590 triệu năm trước. Điều thú vị là những chiếc hố này có thể là nơi chứa hàng trăm loài động vật chưa được định danh trên Trái Đất.
4. Vùng đất "hiếm có sự sống" ở Siberia
Cái rét cắt da cắt thịt là một trong những trở ngại lớn nhất đối với con người trong hành trình chinh phục các địa điểm chưa từng được khám phá trên Trái Đất. Và các vùng đất lạnh giá ở Siberia là minh chứng điển hình.
Nhiệt độ tại đây có thể xuống thấp đến mức -40 độ C. Ở nhiệt độ này, rất khó có sinh vật tồn tại. Một số nhà thám hiểm gan dạ đã từng dấn thân vào khu vực này để khám phá, tuy nhiên, cuối cùng họ phải trở về trước khi đặt chân lên vùng đất khắc nghiệt.
5. Vực thẳm sâu nhất Trái Đất
Chính là Vực thẳm Challenger Deep (điểm sâu nhất trên hành tinh tính cho đến nay) ở cuối phía nam của rãnh Mariana, thuộc vùng biển Thái Bình Dương. Bằng cách sử dụng hệ thống sonar, các nhà khoa học ước tính vực thẳm này sâu gần 11.000m.
Năm 2012, đạo diễn gạo cội người Canada James Cameron đã từng thám hiểm vực thẳm này. Tuy nhiên ông và đội của mình phải sớm trở lại mặt nước sau khi lặn được ở độ sâu 10.600m.
Các nhà khoa học tin rằng, ở Challenger Deep có thể là nơi sinh sống của những sinh vật biển mà khoa học chưa từng biết đến. Hành trình khám phá vực thẳm này vẫn thu hút sự quan tâm của giới khoa học hiện đại.
Bài viết sử dụng nguồn: BBC, Blindside