Theo luật sư, hành vi gây thương tích của D. có căn cứ xem xét xử lý về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, dù việc làm này được sự đồng ý của N.
[mecloud]MT8VWO1uv5[/mecloud]
Video: An ninh thủ đô
Liên quan đến vụ việc chị L.T.N. (30 tuổi, trú huyện Phúc Thọ, Hà Nội) tự thuê nam thanh niên Doãn Văn D. (21 tuổi, nhà ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) chặt chân, tay của mình nhằm yêu cầu bảo hiểm bồi thường hơn 3 tỉ đồng gây chấn động dư luận.
Bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng, hành vi của N. là thiển cận và thiếu suy nghĩ, dù có bất cứ lý do hay hoàn cảnh khó khăn như thế nào cũng không thể chấp nhận được dưới góc độ con người và pháp luật thì một vấn đề khác đang được dư luận quan tâm đó là D. - người được chị N. thuê chặt chân, tay với giá 50 triệu đồng, sẽ bị xử lý ra sao?
Hiện trường vụ thuê người chặt tay, chân rồi làm giả tai nạn đường sắt - Ảnh: Người lao động |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Quách Thành Lực - Cty Luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi gây thương tích của D. có căn cứ xem xét xử lý về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” theo điều 104 BLHS năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009, dù việc làm này được sự đồng ý của N.
“Dựa trên mức độ thương tật thì N. có quyền đề nghị hoặc không đề nghị cơ quan có chức năng khởi tố vụ án. Nếu tội phạm chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự và N. không đề nghị thì cơ quan chức năng sẽ không khởi tố vụ án cố ý gây thương tích” – Luật sư Lực cho biết.
[mecloud]M0S5ABjeih[/mecloud]
Cùng chung quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường - văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của người được thuê chặt tay, chân là hành vi cố ý gây thương tích, hành vi này không thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự nên D. có khả năng sẽ bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 BLHS (sau khi có kết luận tỉ lệ thương tật của người thuê chặt tay chân).
Cũng theo luật sư Cường, D. biết rõ hành vi của mình có thể gây thương tích cho người đi thuê nhưng vẫn cố ý thực hiện. Vì vậy, hành vi của D. là gây nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả xấu cho cộng đồng xã hội và thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của chị N.
Luật sư Cường cho biết thêm, thỏa thuận gây thương tích giữa D. và N. là thỏa thuận trái pháp luật, không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Tội cố ý gây thương tích cũng không đòi hỏi là nạn nhân có đồng ý hay không. Vì vậy, với thông tin mà cơ quan điều tra cung cấp thì đủ căn cứ để xử lý D. về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 BLHS.
[mecloud]vY97wPYUG1[/mecloud]
Ngày 23/8, thông tin từ Công an Q. Bắc Từ Liêm, lúc 0h5 ngày 5/5, đơn vị này nhận được tin báo từ anh Doãn Văn D. về vụ Tai nạn giao thông đường sắt tại thuộc tuyến đường Bắc Hồng - Văn Điển, đoạn qua địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Nạn nhân vụ tai nạn là chị L. T. N. bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái. Công an Q. Bắc Từ Liêm đã đưa chị N. vào Bệnh viện 19-8 để cấp cứu và nối lại phần tay đã bị đứt rời. Sau 4 ngày điều trị, chị N. được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức điều trị. Các bác sĩ xác định phần tay, và chân bị đứt đã hoại tử nên phải tháo ra. Làm việc với công an, chị N. cho biết do buồn chuyện gia đình nên đi lang thang ra khu vực đường tàu và bị tàu hoả chạy qua hút vào nghiến đứt rời một phần bàn tay và bàn chân. Chị N. kêu cứu và được anh D. ở gần đấy phát hiện đến đưa chị ra khỏi đường tàu rồi trình báo công an. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng điều tra, cơ quan công an kết luận vụ tai nạn đường tàu mà anh D. và chị N. trình báo là giả. Chị N. đã thuê anh D. chặt tay và chân mình sau đó trình báo công an đã bị tàu hoả tông để đòi bảo hiểm chi tiền theo hợp đồng bảo hiểm mà chị N. đã mua trước đó. Nếu vụ lừa đảo này thành công, chị N. sẽ yêu cầu phía bảo hiểm chi trả 3,5 tỉ đồng. |
Tiểu Phương