Thành ủy Bạc Liêu nợ các loại bảo hiểm y tế, xã hội gần 478 triệu đồng, nợ Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu 268 triệu đồng, và hàng tỉ đồng đã chi mà chưa quyết toán, thanh toán.
Trả lời Thanh Niên ngày hôm qua (30/11) về những lùm xùm xoay quanh vấn đề tài chính ở Thành ủy Bạc Liêu, ông Nguyễn Quốc Minh, Chánh văn phòng Thành ủy Bạc Liêu, cho biết Tỉnh ủy Bạc Liêu đã thành lập đoàn kiểm tra, hiện vẫn chưa có kết luận chính thức.
Kinh phí Thành ủy Bạc Liêu còn hơn 1,5 tỉ đồng, đủ trả lương cho cán bộ và hoạt động của Thành ủy đến cuối năm 2015. |
Theo ông Minh, qua báo cáo tài chính, Thành ủy Bạc Liêu vẫn còn kinh phí hơn 1,5 tỉ đồng, vẫn đảm bảo trả lương cho cán bộ và hoạt động của Thành ủy đến cuối năm 2015.
Trên báo Tiền Phong đăng tải, theo biên bản bàn giao tài chính ngày 18/8, giữa lãnh đạo mới và cũ, sau đại hội Đảng nhiệm kỳ mới. Quỹ cơ quan còn hơn 2,748 tỷ đồng, nhưng thực tế không có tiền.
Trong biên bản bàn giao công nợ giữa lãnh đạo cũ và mới, liệt kê nhiều khoản chi từ biên soạn lịch sử Đảng đến tiếp khách, khám sức khỏe cho cán bộ, tổng cộng hơn 2,818 tỷ đồng.
Thủ quỹ Phan Thị Hơn cho biết, tháng 1/2015, nhận bàn giao từ thủ quỹ cũ, sổ sách ghi 1,8 tỷ đồng nhưng thực tế đã không có tiền mặt.
Phó chánh Văn phòng Trịnh Thu Phương, người được ủy quyền điều hành kinh phí của cơ quan, cho biết thêm, từ năm 2014 trở về trước có hơn 1,738 tỷ đồng đã chi mà chưa quyết toán được; mấy tháng đầu năm 2015 cán bộ nhân viên ở Thành ủy tạm ứng 1,691 tỷ đồng cũng chưa thanh toán.
Trên tờ Thanh Niên thông tin thêm, ngoài số tiền thất thoát, tạm ứng trên chưa thanh toán được, Thành ủy Bạc Bạc Liêu còn nợ nần nhiều đơn vị khác. Cụ thể, nợ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bạc Liêu các loại bảo hiểm y tế, xã hội gần 478 triệu đồng chưa thanh toán.
Nợ Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu tiền hơn 268 triệu đồng theo hợp đồng thỏa thuận khám bệnh cho cán bộ Thành ủy với bệnh viện từ cuối năm 2012, nhưng đến nay vẫn chay ì chưa thanh toán.
Sự việc này không chỉ khiến người dân Bạc Liêu mà cả nước xôn xao. Một độc giả bình luận: "Thành ủy mà nợ như chúa Chổm".
Giai thoại về Chúa Chổm Giai thoại dân gian kể rằng Lê Duy Ninh ngày bé tên là Chổm, mẹ ông từng tình cờ được gặp vua Lê Chiêu Tông một lần khi vua đang bị Mạc Đăng Dung giam lỏng ở phường Đông Hà; sau đó có mang và sinh ra Chổm. Chổm lớn lên nhà nghèo, phải đi vay mọi người để sống qua ngày và hứa sẽ trả đủ nợ. Bỗng gặp lúc Nguyễn Kim khởi binh chống nhà Mạc, tìm được Chổm là dòng dõi nhà Lê nên lập làm vua. Công cuộc diệt Mạc thắng lợi, vua Chổm trở lại kinh thành Thăng Long. Khi đi qua làng cũ chỗ mẹ con từng lánh nạn, một số người bán chịu cho Ninh ngày xưa đổ lại đòi tiền. Có nhiều người không phải là chủ nợ nhưng cũng đổ xô lại yêu cầu, đòi hỏi. Từ đó, "Nợ như chúa Chổm" trở thành một thành ngữ dân gian chỉ những người thiếu nợ quá nhiều. |
T.Phong (tổng hợp)