Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cán bộ tiếp công dân phải đặt vị trí của mình vào những người đi khiếu kiện để đón tiếp niềm nở, chào hỏi ân cần và cảm ơn...
Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ làm việc tại trụ sở Tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ngày 18-4, hàng loạt những bất cập, gây bức xúc bấy lâu nay đã được đại diện nhiều cơ quan “mổ xẻ”.
Dưới đùn đẩy lên trên
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương, cho biết có những đơn kêu oan đã có kết luận của cơ quan chức năng, thậm chí Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhưng cấp dưới không thực hiện. Nhiều vụ khiếu kiện hàng chục năm trời vẫn không được giải quyết. Trụ sở tiếp công dân là nơi nắm được vấn đề chứ không phải là nơi tiếp nhận và làm dịu bức xúc của người dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các phóng viên bên lề buổi làm việc Ảnh: TUẤN NGUYỄN |
Thiếu tướng Bùi Mậu Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II - Bộ Công an, cho rằng việc người dân kéo về trung ương để kêu oan cho thấy các địa phương làm chưa tốt, chưa triệt để, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân lên cấp cao hơn.
Theo ông Quân, có tình trạng một số lãnh đạo địa phương “sợ”, không xuống tiếp xúc với người dân hoặc có xuống làm việc thì tập trung nhiều cán bộ, công an đi cùng, gây phản cảm rằng “xuống với dân nhưng lại uy hiếp dân”.
Có kết luận vẫn không thi hành
Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, khẳng định khiếu kiện chỉ nhiều hơn chứ không giảm. Có nhiều vụ việc đã có kết luận của cấp trên nhưng cơ quan liên quan trực tiếp vẫn không chịu sửa quyết định của mình, càng khiến người dân thêm bức xúc nên muốn lên gặp cấp trên hoặc Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cán bộ tiếp công dân phải có năng lực hiểu biết pháp luật mới được giao trách nhiệm, phải biết dân vận, chia sẻ với dân, đặc biệt là tinh thần trọng dân và lắng nghe ý kiến của dân. Cán bộ tiếp công dân không phải là văn thư mà phải là nơi đối thoại, tiếp nhận làm rõ các vấn đề người dân phản ánh, hướng dẫn người dân làm đúng pháp luật và đôn đốc cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết vụ việc; phải hình thành phong cách, thái độ quen với những lời nói: “xin chào”, “xin phép”, “cảm ơn”…
Chỉ tay ra phía đường Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, TP Hà Nội), nơi đang tập trung rất nhiều người dân từ các tỉnh thành đổ về Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước để khiếu nại - tố cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Người dân đặt niềm tin thì mới lặn lội từ nơi xa xôi tìm tới tận nơi nên cán bộ tiếp công dân phải đặt mình vào hoàn cảnh người khiếu kiện để hiểu, đồng cảm. Nhìn thấy người dân đi khiếu nại như thế, thấy đau xót lắm chứ!”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương về việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt chú ý tới một số nơi không thực hiện. |
Theo Thế Kha