Vũ Hoàng Sơn - 1 trong 4 thí sinh tham dự chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2013 đã tìm ra đáp án bài toán lớp 3 "làm khó tiến sĩ", gây "náo loạn báo chí quốc tế" trong 3 phút. Đây cũng là bài toán GS Ngô Bảo Châu được mời giải mấy ngày trước.
Liên quan đến bài toán lớp 3 ở Lâm Đồng gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước, trên Trí thức trẻ cho biết, bài toán đã được Vũ Hoàng Sơn (cựu HS chuyên Hóa Trường Khoa học Tự nhiên, là 1 trong 4 thí sinh tham dự chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2013) giải trong 3 phút.
“Ban đầu nhìn qua thì khó nhưng em vừa mò mẫm vừa tính toán để ra kết quả. Thực ra sẽ có nhiều đáp án, nhưng em không tìm ra quy tắc – em nghĩ đó mới là điều khó”, Sơn lý giải.
Thí sinh vòng chung kết Olympia 2013 Vũ Hoàng Sơn làm bài toán lớp 3 GS Ngô Bảo Châu được mời giải chỉ trong 3 phút |
Tuy nhiên, Sơn đã bất ngờ khi biết bài toán này được giao cho học sinh lớp 3. “Lớp 3 thì em thấy rất khó, nếu không cầm máy tính mà bấm tay thì khó giải lắm”, Sơn chia sẻ.
Đáp án mà Sơn đưa ra như sau: (6) + 13x(5) :(1) +(1) +12x(2) - (9) - 11-(1)x(1):(1) - 10 = 66(5) + 13x(5):(1) +(1) + 12x(2) - (9) - 11 + (1)x(1):(1) - 10 = 66.
Trước đó, theo báo Tuổi trẻ, giáo viên ra đề toán này choc học sinh là bà Nguyễn Thị Kim Quyên, giáo viên lớp 3A3, đồng thời là khối trưởng khối lớp 3 Trường tiểu học Thăng Long.
“Bài toán này tôi cho một nhóm học sinh làm trong giờ ôn tập buổi chiều thứ ba tuần trước. Chỉ có khoảng 20 học sinh (trong tổng số 35 học sinh của lớp 3A3) được tôi cho thêm phần luyện tập này. Những em này đã làm xong phần ôn luyện theo chương trình, tôi cho các em làm thêm để nâng cao kỹ năng và kiến thức” bà Quyên kể.
Theo tài liệu bà Quyên cung cấp cho PV báo Tuổi trẻ, bài toán trên được chép ra từ cuốn Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 của Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm. Chịu trách nhiệm nội dung và bản quyền cuốn sách này là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục 123, biên tập nội dung tác giả Đặng Thanh Thúy và chịu trách nhiệm xuất bản là ông Đinh Ngọc Bảo - giám đốc Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm. Cuốn sách được nhà xuất bản in 5.000 cuốn và lưu chiểu vào tháng 6-2012. Theo các giáo viên dạy toán trong trường, trong cuốn Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 trên có nhiều bài toán nâng cao khá hay.
Bà Quyên cho biết, cuốn tài liệu trên do một học sinh mang đến lớp và bà thấy hay nên thỉnh thoảng photo một số tờ gồm cả tiếng Việt và toán để cho các em làm trong các giờ ôn tập.
Như tin tức đã đưa, ngày 18/5 trên Vnexpress đăng tải một bài toán lớp 3 do một phụ huynh ở Bảo Lộc, Lâm Đồng chia sẻ. Bài toán nhanh chóng “gây bão” dư luận trong nước với nhiều ý kiến đánh giá “siêu khó”, một số tiến sĩ cũng phải “xin khất”. Không chỉ thế, ngày 20/5, bài toán này còn xuất hiện trên một số trang báo quốc tế, gây xôn xao với hàng nghìn bình luận.
Nhiều giáo viên dạy Toán, thậm chí là tiến sĩ toán học cho rằng, bài toán này khó ngay cả với những người lớn giỏi toán, vì vậy sẽ rất khó cho học sinh lớp 3.
Theo Phó giáo sư Văn Như Cương, việc giao bài tập cho học sinh với một bài toán quá khó và phức tạp như trên thì hoàn toàn không có giá trị, ý nghĩa về mặt giáo dục. Trái lại, nó còn làm học sinh mất thời gian, ức chế, căng thẳng không cần thiết.
Bài toán hóc búa này cũng được Tiến sĩ Giáp Văn Dương mời các nhà toán học là giáo sư Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Phùng Hồ Hải và Nguyễn Tiến Dũng giải xem mất bao nhiêu thời gian.
Sau khi nhận được lời mời, giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (giảng dạy tại Đại học Toulouse, Pháp) cho biết, làm xong bài trong 18 phút. Giáo sư Tiến Dũng nhận định: “Bài này dùng để dạy số học thì dở, dạy về thuật toán không đến nỗi nào”.
H.M (tổng hợp)