Một giảng viên ngành du lịch cho rằng, chuyến du lịch 7 nước Châu Âu trong 22 ngày với 42 triệu là hoàn toàn có thể nhưng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc xin visa.
Chia sẻ về chuyến du lịch châu Âu giá 42 triệu trong 22 ngày của Quỳnh Nhi gây tranh cãi trên Cộng đồng mạng. Ảnh chụp màn hình |
"Du lịch châu Âu với giá 42 triệu là có thể"
Bài viết đăng tải trên trang Facebook cá nhân của nữ DJ Đặng Ngọc Quỳnh Nhi chia sẻ về kinh nghiệm đi du lịch châu Âu với tổng chi phí khoảng 40 triệu đồng/ người trong 22 ngày đã gây nhiều tranh cãi. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu thông tin lộ phí 42 triệu đồng là thật thì chuyến du lịch này là hành xác - đi chỉ để check in chứ không phải là du lịch đúng nghĩa.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Thu Thủy, giảng viên khoa Du Lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), mức chi phí như vậy và đi hai người là có thể.
Cụ thể, một chuyến du lịch châu Âu 22 ngày tiết kiệm có thể bao gồm các khoản sau:
1. Vé máy bay khứ hồi: 700 USD (15 triệu VNĐ)
2. Visa: 60 EUR (1,4 triệu) - loại visa đi khối Schengen gồm 26 quốc gia Châu Âu trừ Anh.
3. Tiền nghỉ: Thường từ 15 Eur một đêm x 22 = 8 triệu, hình thức là thuê giường (một kiểu kí túc xá).
4. Tiền ăn:
- Ăn sáng: Có trong tiền nghỉ
- Ăn trưa và chiều: Rẻ nhất là ăn vỉa hè như bánh mì hoặc đồ ăn nhẹ thì rơi vào khoảng 5 Eur/bữa x 44 = 6 triệu.
5. Phí đi lại: Có hai hình thức:
- Hình thức thứ nhất là dùng Euro Line: Loại xe bus xuyên châu Âu, vé này bán theo ngày, có thể mua theo gói 15 ngày hoặc 30 ngày rơi vào 250
- 300 Eur trong 15 ngày (7,3 triệu). Bạn có thể đi bất cứ đâu, miễn là mình lên một lịch trình chi tiết và cụ thể và lấy vé tại điểm đến, vé có thể mua online điều kiện là không được đi một thành phố quá 2 lần. Vì vậy bạn nên cân nhắc lịch trình tránh trùng lặp địa điểm. Đây là hình thức đi lại giữa các nước.
Còn đi trong thành phố nên sử dụng giao thông công cộng của đường phố, cách tốt nhất là sử dụng City Pass (thẻ tham quan thành phố) mua theo ngày. Khi sử dụng thẻ này du khách có thể được sử dụng miễn phí các loại phương tiện công cộng đường phố từ xe bus, tàu điện ngầm, tàu hỏa, tàu thủy, ...cộng thêm miễn phí khoảng 5-10 địa điểm tham quan nổi tiếng của thành phố.
Ví dụ, thẻ tham quan thành phố Paris là 50 Eur cho 4 ngày bao gồm việc đi lại miễn phí các phương tiện giao thông công cộng thì du khách sẽ được tham quan 32 địa điểm của thành phố.
- Hình thức thứ hai là mua Tour hop on hop off cho phép đi một vòng thành phố bằng xe bus và có các địa điểm dừng. Khi lên xe khách sẽ được phát tai nghe và nghe thuyết minh theo định vị GPS. Vé này có hai loại 24h và 48h giá vé 15-20 Eur, nếu muốn vào tham quan thì bạn phải mua vé từng địa điểm.
Xét về kinh tế, thì mua City Pass sẽ tiện hơn cho bạn ví dụ ở Paris khi vào tham quan Louver là 15 Eur, Vecsine 15 Eur, Khải Hoàn Môn là 5 Eur là 35 Eur nếu đi lẻ, còn City Pass với 50 Eur bạn sẽ đi được 3 điểm trên và nhiều điểm khác, ngoài ra khi sử dụng City Pass bạn không phải xếp hàng.
"Tuy nhiên, để xin được visa đi khối Schengen không dễ nếu không nói là cực kì khó nếu đi một mình. Bởi để xin được visa đi khối Schengen bạn phải chứng minh được mình có tài chính, có công ăn việc làm ổn định, sổ đỏ, sổ tiết kiệm. Ưu tiên những người là công chức, cán bộ Nhà nước, thường các bạn trẻ thường khó được cấp visa đi khối Schengen. Ngoài ra, việc nộp phí và bị từ chối thì không được hoàn lại nên đây cũng là một việc hơi mạo hiểm", bà Thủy nói thêm.
Chia sẻ thêm kinh nghiệm ăn uống khi đi du lịch để chi phi nằm trong gói nói trên, bà Thủy "mách" du khách có thể ăn sáng thật no vì nằm trong tiền nghỉ, trưa thì ăn nhẹ bằng bánh mì, hoặc hamberger còn tối có thể vào siêu thị mua đồ như xà lách, dưa chuột, thịt rồi tự ăn để tiết kiệm.
"Tổng chi phí khoảng 50 triệu là bạn đã có một chuyến đi hiệu quả còn nếu tiết kiệm vé tham quan, không thưởng thức ẩm thực địa phương và đi 7 nước như Quỳnh Nhi chia sẻ thì 42 triệu là hoàn toàn có khả năng", bà Thủy nói.
"Không nên đi du lịch theo kiểu hành xác"
Chia sẻ quan điểm về kiểu du lịch check in, bà Thủy cho biết, mỗi người có một nhu cầu khác nhau, có người thích khám phá điểm đến, có người thích chụp ảnh. Vì vậy, không nên có quan điểm áp đặt nhu cầu của mỗi cá nhân lên nhau.
"Ví dụ như tôi, tôi dành nhiều thời gian tham quan bảo tàng vì tôi là người làm du lịch", bà Thủy nói.
Bà Thủy cũng cho rằng, cứ đi đã là học, là đã trải nghiệm nhưng đừng đi không mà mình phải chủ động tìm hiểu, lên kế hoạch chi tiết về địa điểm đến và cố gắng thực hiện kế hoạch đấy.
"Còn trong trường hợp có những yếu tố khách quan làm hỏng kế hoạch đấy thì mình sẽ rút được kinh nghiệm tốt nhất là có phương án hai để dự phòng. Còn việc "xách ba lô lên và đi theo kiểu hành xác thì không nên", bà Thủy chia sẻ thêm.
Dã Quỳ