"Các đối tượng mua dịch thải từ các lò mổ và để hơn 10 ngày, khi đó mùi nó còn khủng khiếp hơn... Mùi của nó còn thối hơn mùi tử thi" - Thiếu tướng Minh tiết lộ.
Thiếu tướng Phan Anh Minh phát biểu tại kỳ họp. |
Cuối phiên thảo luận ngày thứ 2 tại hội trường kỳ họp HĐND TP HCM sáng 5/12, Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an TP HCM) đã dành trọn phần phát biểu nói về hoạt động tín dụng đen trên địa bàn.
Nói về "tín dụng đen", Thiếu tướng Minh cho biết thuật ngữ này xuất phát từ phim Hồng Kông, chính thức gọi là "vi phạm trong hoạt động tín dụng" và "vi phạm lãi suất vượt quy định".
Ông cho biết Công an TP HCM đã phát hiện tình trạng này từ năm 2014, khi một số đối tượng từ phía Bắc vào thuê nhà và hoạt động tín dụng trái phép tại thành phố.
Không khởi tố được vụ nào
"Hoạt động này là vi phạm không lớn, nhưng lại có hậu quả phát sinh sau. Năm 2014 bình quân 1 tháng xảy ra 1 vụ là hệ quả của hoạt động cho vay trái pháp luật, thì bây giờ 1 tháng có tăng lên đến 4 vụ", Thiếu tướng Minh nói. Ông nhận định hành vi sai phạm này nằm ngoài sự điều chỉnh của luật nên khi tranh chấp chắc chắn xảy ra hậu quả.
"Năm 2018 có ít nhất 3 vụ giết người, thậm chí giết nhiều người mà nguyên nhân xuất phát từ hoạt động cho vay trái phép, thu hồi nợ không được. Hiện nay thành phố có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái phép, trong đó hơn 2/3 là người không cư trú ở thành phố mà chủ yếu là các tỉnh phía Bắc", Thiếu tướng Minh nhấn mạnh.
Trong năm 2018, Công an thành phố đã lập biên bản 60 nhóm với hơn 230 đối tượng, nhưng hầu hết họ chỉ bị xử lý vi phạm hành chính ở những lỗi không đáng kể như vi phạm đăng ký tạm trú, hay gây mất trật tự. Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết trước năm 2018, không vụ nào liên quan "tín dụng đen" bị khởi tố vì luật không quy định.
Sang năm 2018 có luật mới, trong đó quy định lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất của luật dân sự (khoảng 8,3%/tháng) là đủ định tội. Tuy nhiên vẫn còn quy định thứ hai là "thu lợi bất chính". Theo đó, trong trường hợp thu lợi bất chính hơn 30 triệu có thể bị cải tạo không giam giữ nhưng không được bắt giữ, thu lợi trên 100 triệu đồng có thể bị phạt tới 3 năm tù nhưng không được tạm giam.
Ông nhận định rằng đây là sơ hở của luật pháp, vì dù côơ quan chức năng nhận thức được và đấu tranh nhưng tội này thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng chứ không phải hình sự. "Hiện nay Luật xử lý vi phạm hành chính có rất nhiều chỗ hở. Trước đây chúng ta ngộ nhận việc cho vay nặng lãi là vi phạm hành chính, vì vậy giờ xử lý không được răn đe. Việc này không chỉ khiến người dân mà cả lực lượng xử lý cũng bức xúc" – Tướng Minh trình bày.
Chiêu "độc" của các nhóm cho vay nặng lãi
Hồi năm 2016 Chính phủ ra Nghị định 96 về xử phạt hành chính trong hoạt động tiền tệ, ngoại hối nhưng lại chỉ quy định đối với các tổ chức do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, chứ không quy định đối với cá nhân.
Tuy nhiên ông Minh cũng cho biết qua vụ phạt tiền người đổi 100 USD tại Cần Thơ, Thủ tướng đã đồng ý sửa Nghị định này. Trong thời gian chờ đợi, ông Minh khẳng định lực lượng công an vẫn giải quyết bằng các biện pháp khác.
Ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 12. |
Phó giám đốc Công an TP cũng nói về chất "độc" mà các đối tượng thường dùng tạt vào nhà con nợ. Theo đó, khi kiểm tra nơi tạm trú của các đối tượng cho vay nặng lãi cư trú, lực lượng công an đã phát hiện hơn 20 can chất bẩn dùng để tạt khi đòi nợ. Đây không phải mắm tôm mà là chất thải lò mổ.
"Các đối tượng mua dịch thải từ các lò mổ và để hơn 10 ngày, khi đó mùi nó còn khủng khiếp hơn. Mùi của nó còn thối hơn mùi tử thi. Anh em mở ra lập biên bản mà chính đối tượng đó cũng ói mửa", ông Minh nói
Tuy nhiên ông cho rằng gặp trường hợp như vậy, bên định giá cần tăng mức độ thiệt hại (vì phải cạo sơn) và đó là cơ sở để lực lượng công an xử lý tội "Hủy hoại tài sản".