Tiếng Anh là ngôn ngữ được nhiều phụ huynh lựa chọn làm ngôn ngữ thứ hai cho trẻ. Tuy nhiên, nên cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ này ở thời điểm nào thì không phải bậc cha mẹ nào cũng biết.
Trả lời trên VietNamNet, chuyên gia Neil Roberts, Phó Giám đốc Trung tâm Giảng dạy Hội đồng Anh cho biết, khoa học đã bỏ ra rất nhiều thời gian, nỗ lực và tiền bạc để nghiên cứu về vấn đề gây nhiều tranh cãi này. Tuy nhiên vẫn chưa có kết quả rõ ràng vì gần như không thể tách rời yếu tố độ tuổi ra khỏi các yếu tố liên quan khác, như môi trường học tập, động lực và chất lượng giảng dạy.
Nhiều trẻ em được cho tiếp xúc với tiếng Anh khi còn học mẫu giáo. Ảnh: Internet |
Nhiều người cho rằng có một “độ tuổi tốt nhất” cho việc học ngoại ngữ và giai đoạn này sẽ áp dụng cho việc học ngôn ngữ thứ hai. Đây là độ tuổi mà trẻ đang phát triển và bộ não sẽ giúp người học dễ thành công trong việc học ngoại ngữ.
Hầu hết mọi người tin rằng đó là độ tuổi trước dậy thì và đó là thời kỳ mà trẻ thường dựa nhiều hơn vào khả năng học tập bẩm sinh. Đến giai đoạn dậy thì, người học có xu hướng dựa vào những “chiến lược và kỹ năng” học tập mang tính chất chính thống hơn. Điều này có thể khiến trẻ em thường thành công hơn trong việc học ngoại ngữ so với người lớn. Tuy nhiên, thành công này của trẻ em trong việc học ngoại ngữ cũng có thể do các yếu tố khác như việc trẻ em có nhiều thời gian học tập ở trường hơn người lớn, hoặc do chúng có điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn thông qua truyền hình và Internet.
Có một thực tế rõ ràng là trẻ học ngôn ngữ thứ hai trước tuổi 15 nhìn chung có nhiều khả năng giao tiếp trôi chảy như người bản xứ hơn.
Việc cho học sinh độ tuổi mầm non tiếp xúc với ngoại ngữ không nhất thiết phải quá nặng nề phân biệt giữa “học mà chơi” hay học nghiêm túc. Với thực tế là trẻ em có thể học được rất nhiều khi chơi; phụ huynh và học sinh cần rất xem trọng các cơ hội để tạo không gian cho trẻ “chơi mà học” trong quá trình học tập. Trong khi chơi, trẻ có thể thử những vai trò mới, ngôn ngữ mới và thông thường, những gì trẻ thể hiện thường vượt ra khỏi khuôn khổ khả năng của chúng trong các lớp học. Đồng thời, trong khi chơi, trẻ có thể có những phát hiện về ngôn ngữ - những phát hiện “tự thân” này sẽ được lưu giữ tốt hơn trong trí nhớ của trẻ so với những gì chỉ đơn thuần được “truyền đạt” bởi giáo viên. Vì thế, vai trò của giáo viên là hỗ trợ, hướng dẫn và làm mẫu cho trẻ sử dụng những công cụ ngôn ngữ cần thiết, gợi ý và đưa ra những thử thách để trẻ vượt qua và tiếp thu bài.
Cũng nói về vấn đề nên cho trẻ học ngoại ngữ ở thời điểm nào, ông Darren, Giám đốc Điều hành trung tâm Anh ngữ Apollo, một trong những chuyên gia kỳ cựu trong việc giảng dạy tiếng Anh và có nhiều năm kinh nghiệm tiếp xúc với học viên nhiều độ tuổi khác nhau trên thế giới, cho biết: “Các em nhỏ bắt đầu học ngoại ngữ từ năm 4 tuổi hoặc sớm hơn thường có khả năng tiếp thu và vận dụng ngoại ngữ rất tuyệt vời. Ở tuổi này, các bé có khuynh hướng tiếp nhận ngôn ngữ, phát âm và diễn đạt một cách tự nhiên hơn rất nhiều so với các học viên lớn tuổi. Mặc dù những học viên bắt đầu học ngoại ngữ ở tiểu học và trung học vẫn tiến bộ rất tốt, nhưng các bé ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo lại có những lợi thế đặc biệt trong việc học một ngôn ngữ mới”. Ông nói thêm, rất nhiều học viên xuất sắc của ông chính là các bé ở độ tuổi mẫu giáo hoặc nhỏ hơn.
Lê Vy (tổng hợp)