Văng tục chửi thề, bạo lực với bạn bè, vô lễ với thầy cô… là những hành vi xấu thể hiện cách ứng xử lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Khi văng tục chửi thề thành thói quen
“Văng tục chửi thề” đang trở thành thói quen hàng ngày, thậm chí là những từ cửa miệng của nhiều bạn trẻ. Ngoài xã hội, về nhà hay trên giảng đường… những lời nói tục tĩu được phát ra một cách tự nhiên mà không hề có bất kì sự ngượng ngùng nào. Không chỉ thế, những hành vi vô lễ, thiếu tôn trọng của người trẻ đối với người lớn tuổi, thầy cô và cả bố mẹ ngày càng nhiều trở thành điều rất đang lo ngại. Nếu không có giải pháp phù hợp thì sẽ tạo ra một lỗ hỏng lớn cho nền văn hóa nước nhà.
Người xưa có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, đó là điều đầu tiên mỗi người học được ngay từ khi bước vào lớp 1. Nhưng lớn lên, rất nhiều người lãng quên điều đó để rồi có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với thầy cô, bạn bè ngay trong môi trường giáo dục.
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, con người ngày càng tiếp cận dễ dàng hơn với các phương tiện truyền thông đại chúng. Những hành vi lệch chuẩn như nói tục chửi thề, nữ sinh đánh nhau, vô lễ với thầy cô giáo… xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội thật sự đáng báo động.
Nhiều người hẳn vẫn nhớ vụ lộ clip HS cấp 2 đánh bài ăn tiền, văng tục trong lớp. Đoạn clip dài gần 2 phút quay lại cảnh một nhóm học sinh gồm cả nam và nữ tụ tập, vừa đánh bài, vừa thản nhiên nói tục, chửi bậy với nhau và coi đó như chuyện bình thường.
Ảnh chụp từ clip
Hay gần đây, cư dân mạng đang xôn xao về một học sinh lớp 12 văng tục cả trong bài văn của mình. Với đề bài, "Em hãy trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nói tục chửi bậy trong học đường hiện nay", một học sinh tên là Vũ Hoàng L. đã có một bài văn khiến nhiều người phải giật mình. Trong từng câu văn, nam học sinh đã sử dụng khá nhiều những tiếng lóng thô tục đang "thịnh hành". Bài văn nhận được vô số phê phán chỉ trích sau khi xuất hiện trên mạng xã hội.
Bài văn “văng tục” của học sinh
Nên có những hành vi ứng xử có văn hóa
Nói đến hành vi ứng xử của giới trẻ hiện nay, nhiều sinh viên nhìn nhận đúng vấn đề và thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình.
Theo cô bạn Huyền Trang, sinh viên năm 2, trường ĐH Quảng Bình, ứng xử thô lỗ, văng tục với thầy cô, bố mẹ là những điều lệch chuẩn giáo dục của con người, đặc biệt đối với con gái. Mình rất dị ứng khi xem những clip nữ sinh đánh nhau. Con gái thời xưa gắn liền với những từ như “công”, “dung”, “ngôn”, “hạnh”. Dù bây giờ xã hội phát triển, nữ giới được ra xã hội nhiều hơn, bình đẳng giới hơn. Nhưng càng hiện đại thì con người càng phải có văn hóa, như thế thì xã hội mới ngày càng tốt đẹp hơn.
“Mỗi lần gặp chuyện gì bức xúc hay bị xúc phạm, mình luôn cố kìm nén, hoặc đến nơi yên tĩnh hét thật to để giải tỏa. Mình luôn cố gắng để không bị học theo những lời nói thô tục của một số bạn cùng lớp”, Trang chia sẻ thêm.
Huyền Trang: “Mỗi lần gặp chuyện bức xúc hay bị xúc phạm, mình luôn có kìm nén, hoặc đến nới yên tĩnh hét thật to để giải tỏa”.
Bạn Thu Hương (Đà Nẵng) cho biết: “Nói tục trước mặt người lớn tuổi, thầy cô giáo, bố mẹ là một hành vi rất xấu thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bậc sinh thành và những người dạy dỗ mình. Theo mình, những hành vi lệch chuẩn đó được đăng tải nhan nhản trên mạng tác động đến văn hóa ứng xử của một bộ phận giới trẻ. Mỗi một người cần phải tự nhìn nhận lại chính bản thân mình để có những hành vi đẹp, có văn hóa”.
Thu Hương: Những hành vi lệch chuẩn được đăng tải nhan nhản trên mạng tác động đến văn hóa ứng xử của giới trẻ.
“Nói năng thô lỗ, tục tằn, ứng xử thiếu văn hóa đối với thầy cô, bố mẹ, với mọi người xung quanh là điều không nên chút nào. Nhiều lúc ức chế, bị bạn bè xúc phạm quá mức không thể kiềm chế được thì mình mới nói, nhưng mình không hề lạm dụng, càng không để nó trở thành thói quen. Còn việc văng tục, vô lễ với thầy cô giáo, bố mẹ và người lớn tuổi thì đối với mình đó là điều cấm kị, tuyệt đối không để xảy ra tình huống đó dù ở hoàn cảnh nào”, bạn Đặng Văn Công (Tuyên Quang) chia sẻ.
Đặng Văn Công: “Văng tục, vô lễ với thầy cô, bố mẹ, người lớn tuổi là một điều cấm kị”.
Đồng quan điểm với Đặng Công, Nguyễn Chung (Quảng Bình) cho rằng: "Nói tục chửi bậy hiện nay được giới trẻ sử dụng như một cách để xả stress. Mình thấy có một phần do sự giáo dục chưa tốt từ phía gia đình, nhà trường. Nhiều người lớn tuổi rất hay văng tục trước mặt trẻ nhỏ làm cho chúng học theo rồi thành thói quen ngay từ nhỏ. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có rất nhiều bạn trẻ có hành vi ứng xử tốt, có văn hóa".
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Xã hội phát triển, công nghệ thông tin bùng nổ làm nảy sinh nhiều vấn đề. Bên cạnh những lợi ích nó mang lại thì cũng có nhiều tiêu cực xảy ra. Hành vi lệch chuẩn ngày càng nhiều, hơn nữa lại được các bạn đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng vô hình chung làm cho người trẻ học theo rồi vi phạm, hoặc nhiều bạn cho rằng những hành vi sai trái của mình còn nhẹ hơn rất nhiều so với người khác. Điều đó làm cho những hành vi lệch chuẩn ngày càng gia tăng”.
Tiến sĩ Lưu Hồng Minh: "Mỗi người phải tự giám sát, tự điều chỉnh được những hành vi lệch chuẩn thì mới có thể cải thiện được".
"Cần phải có sự giáo dục truyền thông làm cho mọi người thực hiện theo đúng những chuẩn mực của xã hội. Từ người lớn đến trẻ con phải có thói quen hành vi ứng xử văn hóa ngay từ bé. Mỗi người phải tự giám sát, tự điều chỉnh được những hành vi lệch chuẩn đó thì mới có thể cải thiện được thực trạng này" - Tiến sĩ đưa ra giải pháp.