Trước thông tin tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Phòng đã lên tiếng phản đối và đặt ra nhiều nghi vấn.
Theo tin tức từ buổi Hội thảo khoa học về ngôi mộ cổ phát tích tại thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người cùng với Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng đây có thể là ngôi mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thông tin trên khiến dư luận địa phương xôn xao, bán tín, bán nghi.
Trả lời PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Quyn- Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cho biết, ông không tin về việc tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Huyện Vĩnh Bảo cũng không đồng ý với những kết luận được Trung tâm Tiềm năng con người đưa ra.
Các nhà khoa học nghiên cứu tấm thẻ tre . Ảnh báo Công an Nhân dân |
"Ở khu vực đào được ngôi mộ cổ, toàn bộ người dân, lãnh đạo xã Cộng Hiền và người dân thôn Hạ Đồng nói là nghĩa địa ngày xưa cách đây hàng trăm năm. Thời gian lâu lắm rồi thì thiếu gì các ngôi mộ cổ. Còn cái quách được tìm thấy thì các ông (nhà nghiên cứu – PV) đưa đi đâu địa phương không được biết. Lãnh đạo huyện, xã cũng không ai được nhìn thấy.
Khi đã táng mộ người ta phải để các thứ yểm phù trong mộ chứ không ai để ngoài quách. Quách giống chiếc áo khoác để bảo vệ quan tài bên trong", ông Quyn cho hay.
Cũng theo ông Quyn, khu vực được cho là đào thấy mộ cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không liên quan gì đến Trạng Trình vì khu vực đấy thuộc làng khác, xã khác trong khi quê nhà của cụ Trạng ở thôn Trung Am, xã Lý Học còn làng Hạ Đồng, xã Cộng Hiền là làng công giáo. Nơi đào được mộ thuộc đất vườn của ông Trần Rường, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo.
Trước đó, báo Thanh Niên, Công an Nhân dân đăng tải vào ngày 16/1, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người và Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về ngôi mộ cổ phát tích tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Bước đầu các nhà khoa học khẳng định đây là ngôi mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Cụ thể, vào tháng 4/2014, người dân phát hiện một ngôi mộ cổ ở thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Bên trong ngôi mộ là chiếc quách màu đỏ có mùi thơm, ở độ sâu 2m. Đặc biệt, bên trong quách vẫn còn nguyên bộ hài cốt, trên mặt quách có nhiều chữ Nho.
Hài cốt bên trong quách sau đó được chuyển sang tiểu sành và an táng tại nghĩa trang. Chiếc quách gỗ được người dân giữ lại.
Sau khi nhận được thông tin về ngôi mộ cổ, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã mời các nhà khảo cổ học, Hán Nôm... vào cuộc, xác định tuổi tấm gỗ làm quách. Chiếc quách này có hình chữ nhật, nắp bị vỡ, có kích thước tương đương với quách gỗ được khai quật tại một ngôi mộ còn nguyên bộ hài cốt vào ngày 15/9/2011 tại cánh đồng Đầu Chín, thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, H. Vụ Bảo, Nam Định.
Kết quả phân tích niên đại cho thấy, tấm gỗ làm quách có niên đại khoảng 1.700 năm. Gỗ dùng làm tấm quách là gỗ Ngọc Am, một loại gỗ quý hiếm, nếu là dân thường thời phong kiến không thể có được. Các nhà khoa học cũng nhận định, dự trên quy cách đóng chiếc quách và cách ghép, chất liệu sơn cho thấy thuộc vào thời nhà Mạc.
Để xác định danh tính của chủ nhân ngôi mộ cổ, các nhà khoa học đã cho mở ván địa của chiếc quách và tìm được một chiếc thẻ bằng tre. Chiếc thẻ dài 265 mm, rộng 9,76 mm, dày 3,79 mm.
Trên tấm thẻ tre có chữ Mạc triều trạng nguyên và 2 chữ Cù Xuyên (đạo hiệu của giám sinh Nguyễn Văn Định, thân sinh của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm).
Các nhà khoa học bước đầu khẳng định ngôi mộ cổ này là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
H.Yên (Tổng hợp)