Trong 4 trường hợp đầu tiên thực hiện mang thai hộ tại Khoa Hiếm muộn của bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (Tp.HCM) có một trường hợp mang song thai.
Trong 13 hồ sơ đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ có 8 trường hợp được hội đồng chuyên môn phê duyệt, và đã có 6 trường hợp được đưa vào quy trình điều trị. Trong đó có 4 trường hợp mang thai hộ được chuyển phôi, hai trường hợp đã có thai.
Thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh Người lao động |
Theo tin tức từ Người lao động, trưa nay 17.9, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) đã thông tin về 4 trường hợp đầu tiên thực hiện mang thai hộ tại Khoa Hiếm muộn của bệnh viện.
Ca đầu tiên là 1 phụ nữ quê Khánh Hòa, 28 tuổi mắc chứng tử cung nhi hóa, không có tử cung. Người mang thai hộ là chị họ, 33 tuổi, hiện thai được 8 tuần tuổi, có tim thai và siêu âm là song thai.
Ca thứ hai là một phụ nữ ở Bà Rịa Vũng Tàu cũng mắc chứng tử cung nhi hóa đã điều trị nhiều lần nhưng không thành công. Người mang thai hộ là em họ, 27 tuổi, thai được 5 tuần tuổi.
Trên Thanh Niên, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết các cặp vợ chồng được thực hiện mang thai hộ thành công rất vui mừng. Bởi vì có nhiều trường hợp trứng và tinh trùng của vợ chồng đều tốt, nhưng vì lý do nào đó (chẳng hạn như, vợ dị tật tử cung, bệnh lý…) nên người vợ không thể mang thai được. Nay, nhờ cho phép mang thai hộ nên họ mới có con được.
Theo tin tức từ Tuổi Trẻ, từ tháng 6/ 2015 đến nay Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ đã tiếp nhận 18.076 người đến khám hiếm muộn. Tiếp nhận 18 trường hợp đăng ký đủ điều kiện để được xét mang thai hộ, trong đó 13 hồ sơ đã hoàn tất, 8 hồ sơ được duyệt và 6 ca đã bước vào giai đoạn điều trị. Ca đầu tiên thực hiện cho một phụ nữ mắc hội chứng thận hư, người mang thai hộ vẫn chưa đậu thai. Hiện có 3 bệnh viện được Bộ Y tế cho phép thực hiện mang thai hộ, gồm: Bệnh viện Phụ sản T.Ư (Hà Nội), Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), và Bệnh viện đa khoa T.Ư Huế. |
Dã Quỳ (tổng hợp)