Trước những diễn biến nóng liên quan đến trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ GTVT sớm có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ để đánh giá toàn diện. Thủ tướng nêu rõ không để kéo dài tình trạng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp. Ảnh: VGP |
Sáng 1/12, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017 đã bắt đầu dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá tình hình tháng 11 và 11 tháng của năm 2017.
Trong phát biểu định hướng phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chỉ còn đúng 1 tháng nữa kết thúc 2017, khối lượng công việc còn rất lớn, nhiều việc chúng ta chưa làm tốt, không được chủ quan”.
Từ nhận định đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều chỉ đạo quan trọng về công tác điều hành cuối năm và năm 2018 và giao nhiệm vụ trục tiếp cho các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ.
Về việc tăng giá điện vừa qua, Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ đã thảo luận kỹ về việc tăng giá điện, việc tăng giá điện vừa qua chỉ làm tăng CPI 0,06% năm 2017 và 0,1% năm 2018, như vậy rất thấp.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Tài chính, Công Thương, các bộ ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường; Khẩn trương xây dựng, trình ban hành Chỉ thị Tết.
"Chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đồng thời, hỗ trợ cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, vật tư để ổn định đời sống và khôi phục sản xuất tại các địa bàn chịu ảnh hưởng thiên tai", Thủ tướng đôn đốc.
Cũng tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm lộ trình thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong đó có thoái vốn của Sabeco, Habeco và một số DNNN lớn khác…). Chủ động nắm bắt thông tin, nhất là sự thay đổi Chính sách của nước nhập khẩu để có phản ứng, đối sách kịp thời.
Thủ tướng giao trực tiếp cho Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh. Chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh tình trạng cắt giảm bớt các điều kinh doanh nhưng lại “mọc giấy phép con”. Tiếp tục triển khai các dịch vụ hành chính điện tử, giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.
Nhấn mạnh nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, cần tổ chức hội nghị bàn về việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Đây là hướng ra quan trọng của nông nghiệp Việt Nam. Tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng ngắn ngày, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về những vấn đề kỷ cương, kỷ luật, những nhiệm vụ trọng tâm trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các vấn đề văn hóa, an ninh, quốc phòng để “hình thành khung công việc, hệ thống công việc” cho năm 2018. Phải có định hướng cho từng đồng chí lãnh đạo trong điều hành.
"Cấp Bộ trưởng, lãnh đạo bộ, Chủ tịch, Bí thư thì có chuyển biến tốt, mạnh, nhưng cấp trung gian như Cục, vụ, sở, cấp phòng thì sự chuyển biến và hành động tích cực chưa tương xứng", Thủ tướng nhận xét và lưu ý các bộ, ngành, địa phương khắc phục triệt để vấn đề này.
Đức Hòa (tổng hợp)