Thủ tướng vẫn chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện.
Đề xuất siêu dự án giao thông tủy xuyên Á trên sông Hồng và kết hợp thủy điện gặp phải phản ứng gay gắt của chuyên gia và nhà khoa học. Ảnh: Tuổi trẻ |
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, chiều qua 9/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững.
Thủ tướng cho rằng việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị,xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.
Trên cơ sở Quy hoạch được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cách thức triển khai thực hiện dự án, báo cáo Thủ tướng.
Theo thông tin trên VTC, trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5/5, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cũng thừa nhận: "Dự án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng ảnh hưởng như thế nào trong quá trình họ dự kiến nạo vét dòng sông, xây dựng các đập thủy điện thì cần phải có đánh giá tác động môi trường, tức là ở bước lập dự án tiền khả thi".
Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (còn gọi là “siêu” dự án đường thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện của Công ty TNHH Xuân Thiện, Công ty Xuân Thiện) có tổng mức đầu tư 24.510 tỉ đồng, cơ cấu vốn bao gồm 30% vốn sở hữu của nhà đầu tư, 70% vốn vay thương mại. Thời gian hoàn vốn, kể cả thời gian xây dựng là 25 năm.
Nếu được triển khai, đây sẽ là tuyến công trình giao thông thủy kết hợp xây dựng thủy điện thuộc địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và TP Hà Nội. Nhà đầu tư có kế hoạch xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét luồng trên toàn tuyến đường thủy nội địa đoạn Việt Trì – Lào Cai có chiều dài 288 km, kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp lượng điện khoảng 912 triệu KWh/năm.
Ngoài ra, còn xây dựng 7 cảng dọc tuyến. Dự án sẽ dùng nước mặt sông Hồng đề phục vụ giao thông thủy kết hợp chạy máy phát điện.
Đáng lưu ý là dự án này còn có hiệu quả tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia cho rằng dự án này nếu được triển khai sẽ có tác động tiêu cực đến môi trường cũng như dân sinh trong toàn bộ lưu vực con sông này. Việc lấy nước mặt sông Hồng phát điện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương sẽ xem xét rất kỹ lưỡng dự án này. Bởi, "chúng ta đã phải trả giá rất nhiều về môi trường, hạn hán, mưa lũ nên phải hết sức lưu ý khi triển khai bất kì dự án nào cũng phải đánh giá tác động của môi trường".
Đức Hòa (tổng hợp)