Tại hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, Chính sách trong xây dựng cơ bản diễn ra sáng 20/4, Thủ tướng nhắn nhủ: “Mới chỉ 3% chung cư cũ được cải tạo, còn 97% chưa cải tạo. Các thành phố cần xem xét, đừng để cháy nhà rồi, chết người rồi mới lo việc sắp xếp, cải tạo”.
Sáng nay (20/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng được tổ chức. Các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng tham gia chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Trần Ngọc Hùng đề cập vấn đề quản lý quỹ đất đai là việc cải tạo hàng nghìn chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng mà tiến độ lâu nay thực hiện rất chậm chạp, ì ạch.
Theo ông Hùng, Tổng hội Xây dựng đã nhiều lần kiến nghị cơ quan quản lý các cấp dành toàn bộ quỹ đất xung quanh những khu chung cư cũ này để phục vụ việc xây mới các toà nhà, đảm bảo tái định cư tại chỗ cho người dân. Tuy nhiên, thực tế, quỹ đất vàng này cũng vẫn mất dần vì những mục đích thương mại khác.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng dẫn chứng khu vực Giảng Võ. Đáng lẽ đây phải là nơi cần quỹ đất phục vụ việc cải tạo với cả khu Giảng Võ, Ngọc Khánh, Thành Công nhưng những mảnh đất đẹp nhất vẫn được dành cho các dự án chất tải thêm.
Bình luận thêm với những thông tin ông Hùng đưa ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh con số, mới chỉ 3% chung cư cũ được cải tạo, còn 97% chưa cải tạo. Lãnh đạo Chính phủ trực tiếp cảnh báo, nhắc nhở các thành phố “đừng để cháy nhà rồi, chết người rồi mới lo việc sắp xếp, cải tạo”.
Cũng tham gia ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Toàn Cầu (GP.INVEST), một thành viên của Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam phát biểu với tư cách là đơn vị được UBND Hà Nội chỉ định cải tạo khu tập thể Văn Chương cũng quan ngại đây là việc hết sức nhức nhối. Khu tập thể Văn Chương được xây từ những năm 1960, nay đã 58 tuổi, nguy cơ sụp đổ, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Khó khăn lớn nhất là người dân sống trong các khu tập thể cũ vẫn quan niệm nhà nước cần cải tạo nhà cho dân chứ không phải là chính người dân cần cải tạo nhà ở của mình nên ở dự án nào cũng đều đòi được đền bù với hệ số 2-2,5 lần, thậm chí tới 5 lần mà cơ chế thì không có.
Đức Hoà (tổng hợp)