Báo cáo tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức.
Trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng nay (ngày 20/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, nhiệm vụ 5 năm tới.
Trong phần báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong quá trình thực hiện, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó có vấn đề căng thẳng ở biển Đông đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế xã hội nước ta.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Chinhphu.vn |
Cụ thể, giai đoạn 2006-2010 kinh tế phát triển khá, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Từ năm 2011, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp: "Giá dầu thô giảm sâu, đồng Nhân dân tệ đột ngột giảm giá, một số nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng, đặc biệt là tình hình căng thẳng gay gắt ở biển Đông... đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng khẳng định: "Chúng ta vừa kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững hoà bình, ổn định vừa nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015. Trên hầu hết các lĩnh vực đều đạt kết quả quan trọng”.
Trong báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra 9 điểm yếu kém cần phải khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng nhận định, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn còn phức tạp; một số vụ án nghiêm trọng gây bức xúc xã hội; một số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng còn nhiều bất cập.
Về nhiệm vụ 5 năm tới, Thủ tướng cho biết Chính phủ chủ trương phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo; chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, các khu công nghiệp tạo sức lan tỏa, kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ sẽ chăm lo phát triển hài hòa các khu vực, các địa bàn còn nhiều khó khăn, sớm xây dựng hiệu quả một số đặc khu kinh tế.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động sẽ được xây dựng để phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao. Công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức sẽ được đổi mới bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch. Theo Thủ tướng, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Không ký TPP bằng mọi giá Liên quan đến Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, TPP là một Hiệp định toàn diện, tiêu chuẩn cao nhưng cân bằng về lợi ích và có tính đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát huy sáng tạo; nâng cao năng suất lao động; tạo nhiều việc làm mới; nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định, trong quá trình xây dựng phương án và đàm phán, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo và luôn thực hiện nghiêm túc các chủ trương về hội nhập quốc tế theo Nghị quyết và các chỉ đạo cụ thể của Bộ Chính trị, nhất là: bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất, không ký kết Hiệp định bằng mọi giá. Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật. |
H.Minh (tổng hợp)