Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời tất cả các ý kiến xung quanh các vấn đề sau khi các bộ trưởng trả lời. Phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội, bắt đầu từ thứ 2 tuần sau (17/11).
Tin tức trên báo VOV online, trao đổi với báo chí chiều 10/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua kết quả thăm dò các đại biểu, các vị bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII gồm: Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Nguyễn Thị Hải Chuyền và Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân có mặt trong danh sách xin ý kiến song nhận được ít yêu cầu chất vấn nhất.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, theo danh sách dự kiến, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời về việc phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp chế tạo trong nước, các giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, buôn lậu…
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình sẽ phúc đáp các câu hỏi liên quan đến việc thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng công vụ; giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan trung ương, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương…
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời về tình trạng hạ tầng giao thông; giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giải pháp sớm hoàn thành quốc lộ 1A; hạn chế Tai nạn giao thông…; Hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải.
Nếu được trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền sẽ giải đáp các câu hỏi về tình hình và công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; thực trạng thất nghiệp hiện nay, đặc biệt là sinh viên mới ra trường; giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu…
Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân sẽ trả lời về trách nhiệm của ngành trong tăng năng suất lao động; giải pháp áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; việc chủ trì, phối hợp thực hiện cơ chế, Chính sách bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa, kiểm định công nghệ nhập khẩu theo quy định…
Toàn cảnh nghị trường Quốc hội (Ảnh: VOV)
Sau phần trả lời của các bộ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ giải trình những vấn đề chung trước Quốc hội và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Trong quá trình trả lời chất vấn, một số bộ trưởng liên quan cũng có thể được yêu cầu phối hợp trả lời thêm.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, theo thông lệ tại các kỳ họp cuối năm, Thủ tướng sẽ báo cáo làm rõ thêm những vấn đề mà các bộ trưởng đã trả lời. Trong số ý kiến gửi chất vấn Thủ tướng, có nổi lên nội dung lý do dừng nghị định 136 năm 2003 về chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.
Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời tất cả các ý kiến xung quanh các vấn đề sau khi các bộ trưởng trả lời. Đó là điều quan trọng nhất.
Trả lời câu hỏi của báo chí tại sao Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo và Y tế, hai ngành đang rất nóng mà cử tri đang chờ có những quyết sách ngay thì lại không được chọn để chất vấn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo vừa được chất vấn tại kỳ họp thứ 7, từ đó đến kỳ này chắc bộ trưởng vẫn đang phải tập trung thực hiện các giải pháp, kết luận trong nghị quyết về chất vấn của Quốc hội. Vì vậy Bộ trưởng cần có thời gian để tiếp tục giải quyết.
Bộ trưởng Y tế cũng đã giải trình tại phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một phiên trực tuyến cho tất cả ĐBQH tại các đầu cầu chất vấn, cũng cách đây mới vài tháng.
“Vừa rồi, qua phiếu thăm dò ý kiến các ĐBQH, những ý kiến chất vấn liên quan đến hai bộ trưởng này cũng không nhiều như các bộ trưởng khác. Chúng tôi cũng trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐB gửi về mà chọn từ cao xuống thấp để có danh sách gửi xin ý kiến đại biểu, cuối cùng đã có kết quả 4 vị bộ trưởng như trên”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Về ý kiến cho rằng phần chất vấn nên thực hiện trước phần lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lý giải, lấy phiếu tín nhiệm là đánh giá từ cuộc lấy phiếu lần trước đến kỳ lấy phiếu lần này, với cả 50 đối tượng, trong đó có các thành viên của Chính phủ. Nếu lấy phiếu sau khi chất vấn chắc chắn 4 vị bộ trưởng này sẽ bị áp lực, không công bằng, không khách quan. Do đó phải tiến hành lấy phiếu trước và chất vấn sau.
Cũng theo người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, trong các ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải có nhiều ý kiến liên quan đến chất lượng các dự án đầu tư, sử dụng và quản lý nguồn vốn. Riêng dự án đầu tư sân bay Long Thành chưa có ý kiến chất vấn vì dự án này lần đầu tiên được Quốc hội cho ý kiến, còn một kỳ họp sau nữa Quốc hội mới quyết định chính thức.
Thống đốc NHNN cũng có câu hỏi chất vấn nhưng không nhiều. Thống đốc cũng mới trả lời chất vấn tại phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong số 5 bộ trưởng đưa ra xin ý kiến, Bộ trưởng Công thương nhận được nhiều ý kiến nhất. Bộ trưởng Khoa học Công nghệ, dù chưa được chất vấn lần nào, vẫn nhận được ít câu hỏi nhất. Người không nhận được câu hỏi nào từ đại biểu là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử.
Tại kỳ họp này, thời gian chất vấn sẽ kéo dài thêm 1 buổi, 3 ngày so với 2,5 ngày. Trong đó, Quốc hội có một buổi sáng để nghe Chính phủ báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn của các bộ trưởng từ đầu kỳ đến nay và sau đó sẽ thảo luận. Những kỳ trước Quốc hội chỉ nghe trình bày mà không thảo luận.
Theo Chương trình, Quốc hội sẽ chất vấn từ chiều 17 đến hết 19/11. Các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Theo Ngọc Anh/Nguoiduatin