Thi thể 3 mẹ con người Việt thiệt mạng trong vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia airline, đang được Đại sứ quán Việt Nam thúc đẩy nhanh chóng với chính quyền sở tại để đưa về nước.
Chiều 28/8, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Lê Hải Bình đã trả lời nhiều câu hỏi từ PV các hãng thông tấn, báo chí đặt ra.
Báo Đời sống và Pháp luật: Vào ngày 22/8, Malaysia đã đón 20 thi thể đầu tiên trong vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Vậy đối với trường hợp của 3 mẹ con người Việt hiện nay đã được đưa về nước hay chưa?
Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi có biết thông tin mà PV vừa đề cập, chúng tôi đang thúc đẩy quá trình làm việc với ĐSQ VN tại Phần Lan để xác minh thi thể 3 mẹ con người Việt và nhanh chóng đưa thi thể về nước.
Báo Tuổi trẻ: Có thông tin có 12 ngư dân của tàu cá bị Philippines bắt từ năm 2012 sắp về nước. Có thông tin này hay không?
Kết quả của ông Lê Hồng Anh sang Trung Quốc? Liệu sau chuyến thăm này có diễn ra tình trạng căng thẳng như vừa qua hay không?
Ông Lê Hải Bình: Theo thông tin của ĐSQ VN tại Philippines, sau 1 thời gian tích cực làm việc với Đại sứ quán của nước sở tại, ngày 27/8, đã hoàn thành xong thủ tục đưa tàu cá và 12 ngư dân về nước. Dự kiến sẽ về nước vào ngày 30/8.
Về chuyến thăm Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh, tôi nhấn mạnh, trong chuyến thăm này chú trọng 3 nội dung quan trọng.
Một là, lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam- Trung Quốc tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo trực tiếp đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định.
Hai là, hai bên tăng cường giao lưu giữa hai Đảng, hai nước; khôi phục và tăng cường hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực như chính trị ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, thực thi pháp luật...
Ba là, hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc; tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển; kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hoà bình, ổn định trên biển Đông.
Báo Đời sống và Pháp luật: Có thông tin ngày 19/8, Trung Quốc đã điều 10-12 tàu hải cảnh hoạt động trái phép ở Biển Đông, khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ Ngoại giao có nhận được thông tin này hay không? Việt Nam đã xác định được mục đích Trung Quốc điều tàu đến đây hay chưa? Và hiện nay, số tàu này có còn ở trong vùng biển của Việt Nam không?
Ông Lê Hải Bình: Các cơ quan chức năng của VN đang xác minh thông tin mà PV vừa hỏi, tuy nhiên chúng tôi khẳng định VN có chủ quyền không tranh cãi ở Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hoạt động của các bên trên vùng biển này không được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh Đức Thuận
Báo Thanh niên: Trong những cuộc trao đổi hai bên về hợp tác giải quyết tranh chấp ở Biển Đông không đề cập tới các bên liên quan khác hoặc ASEAN, như vậy có phải sau chuyến thăm, hai bên sẽ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua con đường song phương hay không? Qua chuyến thăm, VN có bảo lưu khả năng kiện TQ khi TQ có những vi phạm hay không?
Ông Lê Hải Bình: Trong chuyến thăm, hai bên đã nhất trí nghiêm túc thực hiện Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN-TQ. Trong thỏa thuận này đã nêu rất rõ các nguyên tắc giải quyết các vấn đề tranh chấp song phương hay đa phương thế nào.
Về câu hỏi thứ hai, chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, VN kiên quyết sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với hiến chương LHQ trong đó có Công ước LHQ về Luật biển 1982 để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Báo Dân trí: Có 1 số nguồn tin cho rằng Campuchia đang điều tra dân số người Việt sinh sống tại quốc gia này. Đề nghị người phát ngôn xác minh thông tin này? Mục đích của việc điều tra này là gì?
-Xin cho biết tình hình người Việt đang sinh sống tại quốc gia có dịch Ebola?
Ông Lê Hải Bình: Về câu hỏi thứ nhất, theo tôi được biết thì vừa qua đoàn công tác của CP Campuchia đã kê khai hộ tích, quốc tịch để đảm bảo quyền lợi của những người VN đang sinh sống tại Campuchia.
Về câu hỏi thứ 2, cho đến nay, công dân VN tại 1 số quốc gia có dịch Ebola vẫn được đảm bảo trước dịch này. Cơ quan đại diện của VN tại các quốc gia này vẫn giữ liên lạc thường xuyên với những người VN tại đây, khuyến cáo họ tránh xa nơi có dich và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Báo Lao Động: Thời gian qua có 1 số công dân VN tại Ukraina có bị gọi đi nhập ngũ. Bộ Ngoại giao có nắm được thông tin này hay chưa? Số lượng công dân bị gọi đi nhập ngũ tại Ucraina?
Ông Lê Hải Bình: Đại sứ quán VN tại Ukraina cho biết, vừa qua Ukraina vừa thực hiện lệnh tổng động viên đợt 2, kêu gọi các công dân từ 18 tuổi trở lên tham gia hập ngũ.
Theo thống kê của ĐSQ VN tại Ukraina, có 270 người Ukraina gốc VN đang nằm trong độ tuổi động viên này.
Tuy nhiên, các thanh niên này hầu hết đều được miễn trừ nghĩa vụ quân sự vì đang là học sinh, sinh viên theo học tại các trường tại Ukraina. Những trường hợp có giấy báo nhập ngũ sau khi tới trình diện và chứng minh đang là học sinh, sinh viên cũng được miễn trừ nghĩa vụ quân sự.
Vietnamnet: Ấn Độ đang cân nhắc năm lô dầu khí theo lời mời của VN? Xin Bộ Ngoại giao xác nhận thông tin này?
Ông Lê Hải Bình: Việt Nam hoàn nghênh và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế bình thường giữa các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ấn Độ cũng có hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Báo Nông thôn ngày nay: Tháng 9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Liên Bang Nga, trong khi đó, Moscow đã cấm vận nông sản từ Phương Tây. Trong chuyến thăm tới, VN có đề xuất mở cửa cho sản phẩm nông sản VN vào Nga hay không?
Ông Lê Hải Bình: Quan hệ Nga - VN có bước phát triển không ngừng, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác còn rất lớn, hai bên tìm mọi biện pháp tốt nhất để phát huy tiềm năng này. Vì vậy, trong khoá họp liên Chính phủ giữa hai nước mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham dự sẽ bàn thảo để phát huy tốt hơn nữa.
Báo Tiền Phong: Quan điểm của VN trong vụ lực lượng Hồi giáo chặt đầu nhà báo Mỹ và lượng lượng IS ngày một mạnh hơn?
Ông Lê Hải Bình: VN hết sức lo ngại trước tình hình bạo lực tại Iraq, lên án các hành động dã man nhằm vào người dân vô tội. VN ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế và của Chính phủ Iraq vì sự hoà bình và ổn định của khu vực.
Hãng Thông tấn Đức: Tôi muốn hỏi thông tin về việc ĐSQ Mỹ bày tỏ quan ngại về kết quả vụ toà xử Bùi Thị Minh Hằng?
Ông Lê Hải Bình: Tôi xin khẳng định ở Việt Nam có quyền tự do của người dân, trong đó quyền tự do bày tỏ chính kiến luôn được tôn trọng. Người dân có quyền bày tỏ quyền tự do của mình trong khuôn khổ cộng đồng cho phép.
Phiên tòa xét xử vụ án hình sự đối với Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh về tội danh gây rối trật tự công cộng đã diễn ra theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.
Việc đưa ra xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống yên bình cho người dân.
Theo Đức Thuận (Người đưa tin)