Nghị định mới điều chỉnh theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã chính thức được áp dụng kể từ ngày 1/1/2020. Kể từ đó đến nay, đã có hàng trăm trường hợp bị xử phạt do có nồng độ cồn khi điều khiên phương tiện giao thông. Tuy nhiên cũng có nhiều lo ngại về việc không sử dụng rượu bia nhưng vẫn "thổi" ra nồng độ cồn.
Chia sẻ với Vietnamnet, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết ngoài những đồ uống có cồn như bia, rượu, thực tế có rất nhiều thực phẩm, món ăn, thậm chí là thuốc có thể sẽ khiến kết quả thử nồng độ cồn hiện dương tính.
Một số loại thuốc ho có chứa tinh dầu bạc hà menthol sẽ gây ra tình trạng thổi ra nồng độ cồn khi kiểm tra. Bên cạnh đó, một số loại trái cây chín có lượng đường cao như vải, chôm chôm, sầu riêng... các loại nước sốt cay nóng hay thanh protein cũng có thể gây ra tình trạng dương tính giả.
Thậm chí ngay cả khi bạn sử dụng nước tăng lực cũng có thể gây ra dương tính với nồng độ cồn. Đây là loại nước uống được ưa chuộng vì khả năng giúp tăng cường sức khỏe trong ngắn hạn. Đặc biệt, cánh lái xe cũng thường xuyên sử dụng nước tăng lực để tăng sự tỉnh táo và tập trung.
Tuy nhiên nước tăng lực chứa vitamin B cần rượu để dễ hòa tan. Theo Zing, nghiên cứu của Brian và cộng sự ở Mỹ thấy rằng 40,7% các loại đồ uống tăng lực cho kết quả dương tính và 88,9% cho thấy lượng rượu dao động từ 5-230 mg/dL. Vì thế, người uống bò húc với lượng lớn khi liên hoan kết quả vẫn có nồng độ cồn trong hơi thở, thậm chí là đo nồng độ cồn trong máu.
Việc sử dụng thuốc lá cũng có thể khiến bạn "thổi" ra nồng độ cồn. Nguyên nhân là do khói thuốc lá có chứa Hydrogen, có thể bị oxy hóa ở cực platinum để tạo ra dòng điện. Dòng điện này nhỏ nhưng vẫn gây dương tính.
Với tất cả các trường hợp gây dương tính giả này, hãy đợi ít nhất 15 phút, súc miệng bằng nước sạch trước khi kiềm tra nồng độ cồn trong hơi thở sẽ tránh được kết quả dương tính.