Bắt đầu từ ngày 1/1 vừa qua, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 chính thức có hiệu lực. Theo đó, luật sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (ô tô, xe máy, xe đạp điện…) khi có nồng độ cồn trong người. Đã có rất nhiều trường hợp bị xử phạt trong những ngày qua vì điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia.
Một trường hợp kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ảnh: Internet
Tuy nhiên hiện nay đang có thông tin cho rằng việc sử dụng một số loại trái cây cũng dẫn tới nồng độ cồn trong hơi thở, dẫn đến việc xử phạt nhầm lẫn. Trả lời báo Người Lao Động, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo Luật Luật Phòng chống tác hại của rượu - cho biết những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể.
Trong khi đó, trao đổi với Dân Trí, Trung tá Vũ Mạnh Nam - Đội phó Đội CSGT số 7 - cho biết kể từ ngày thực hiện Nghị định 100, đơn vị chưa bắt gặp trường hợp người dân nào chỉ ăn hoa quả rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà bị dính nồng độ cồn.
Việc xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông còn dựa vào nhiều yếu tố. Ngoài ra, người vi phạm hoàn toàn có quyền giải thích về nồng độ cồn với lực lượng CSGT.
Hoàn toàn không có chuyện CSGT xử lý người điều khiển phương tiện ăn hoa quả có nồng độ cồn. Ảnh: Dân Trí
“Với trường hợp vi phạm, chúng tôi sẽ chứng minh để người dân tâm khục khẩu phục chứ không có chuyện ăn hoa quả mà bị xử phạt. Và tôi khẳng định không có chuyện ăn hoa quả mà lên được nồng độ cồn” - Trung tá Nam kết luận.