"Hỗ trợ thêm cán bộ nghỉ hưu sớm cũng tốt nhưng nếu làm không khéo thì vừa "tiền toi" vừa mất người làm được việc".
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia trước thông tin Đà Nẵng "thưởng lớn" cho cán bộ nghỉ hưu trước tuổi.
Tờ Vietnamnet ngày 24/2 đưa tin, Đà Nẵng vừa ban hành cơ chế khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc bằng cách hỗ trợ thêm nhiều tháng lương.
Theo đó, ngoài Chính sách hỗ trợ do Chính phủ quy định tại nghị định 108/2015/NĐ-CP, những người nghỉ hưu trước tuổi sẽ được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ trước.Các trường hợp nghỉ thôi việc ngay sẽ được trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.
Ảnh minh họa: Internet |
Những người nghỉ thôi việc sau khi học nghề sẽ nhận 0,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH. Cơ chế này được áo dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định tại nghị định số 108/2014/NĐ-CP, tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc và được Thường trực Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.
Sau khi thông tin đăng tải, một bộ phận dư luận băn khoăn, liệu cơ chế thưởng này của Đà Nẵng có gây lãng phí?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, chính sách hỗ trợ những cán bộ thuộc diện tinh giản biên chế cũng tốt nhưng phải đúng người. Theo đó, trước khi "thưởng" cần phải đánh giá đúng người thuộc diện tinh giản biên chế. Nếu việc này làm không khéo thì vừa mất "tiền toi" vừa mất người làm được việc.
“Đưa ra cơ chế này để giúp những người thuộc diện tinh giản biên chế bớt khó khăn trong lúc quá độ ví dụ như tiếp tục tìm kiếm công việc lao động khác. Thế nhưng, nếu làm không cẩn thận, những người có khả năng vì một lý do nào đó sẽ xin nghỉ thì việc làm này coi như thất bại”, ông Khiển nói.
Ông Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia |
Trước một số ý kiến cho rằng việc thưởng những người không có năng lực thuộc diện tinh giản biên chế là lãng phí hai lần, tức suốt thời gian họ công tác không hoàn thành công việc nhưng họ vẫn hưởng lương giờ tinh giản lại được thưởng , ông Khiển cho rằng cũng có việc đó. Theo đó, cần có những biện pháp mạnh đối với cá nhân, đơn vị tuyển người không làm được việc nếu không chính sách tinh giản biên chế chỉ mãi luẩn quẩn như “con kiến mà leo cành đa”.
"Tinh giản biên chế nếu chỉ chặt một khúc để làm thì không cẩn thận nó cứ luẩn quẩn không khác nào "con kiến mà leo cành đa": giai đoạn này thấy phình, dư luận kêu thì tinh giản nhưng sau đó êm thì lại tuyển một loạt. Để ngăn chặn tình trạng này, nhà nước cần ra một văn bản ngăn chặn, trong đó nêu rõ từ giờ trở đi nếu tuyển những người không làm được việc thì chính người đó phải chịu trách nhiệm, tiền bồi thường cho cán bộ tinh giản phải do người tuyển bỏ tiền túi ra trả. Chỉ có siết chặt từ đầu khâu tuyển thì mới giảm được những lãng phí sau này", ông Khiển nói.
H.Minh