Ngày 15/3 vừa qua thương vụ giao dịch lan đột biến có trị giá gần 300 tỷ giữa vườn lan đột biến Đất mỏ của ông Bùi Hữu Giang với ông Nguyễn Tiến Hưng (trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) đã khiến giới chơi lan và dư luận không ngừng xôn xao.
Cụ thể, tổng giao dịch là 288.500.000.000 đồng gồm: 1 cây Ngọc Sơn Cước với giá 250 tỷ đồng; 1 lá non Pleiku với giá 20,5 tỷ đồng; 2 lá non Cờ đỏ với giá 18 tỷ đồng.
Ngay sau khi thương vụ giao dịch lan var bạc tỷ trên diễn ra, rất nhiều người cho rằng đây là màn giao dịch ảo vì mức giá phi lý, không có trên thực tế. Đây là chiêu giao dịch nhằm thổi giá.
Liên quan đến thương vụ trên, ngày 25/3, trao đổi với Tiền phong, Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng Công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết, thương vụ mua bán lan đột biến này là có thật. Cả 2 bên có hợp đồng cho việc mua bán này, nhưng đây là hợp đồng trong tương lai.
"Trong hợp đồng nêu trên, mỗi cây lan sau khi được ươm giống thành công có trị giá 50 triệu đồng nhân với 5.000 cây nên có giá 250 tỷ. Đây là hợp đồng trong tương lai vì khi giao cây mới nhận tiền chứ không phải một cây có giá 250 tỷ như lời đồn đoán", Thượng tá Sơn giải thích thêm.
Cũng theo Thượng tá Sơn, đơn vị cũng đã báo cáo với Giám đốc Công an tỉnh cùng Bí thư, Chủ tịch tỉnh về việc này. Đây chỉ đơn thuần là giao dịch của các cá nhân trong hội chơi lan với nhau. "Sau khi xác minh điều tra, chúng tôi nhận thấy không có dấu hiệu lừa đảo và bị hại cũng không có đơn tố cao hay khiếu nại về việc bị lừa đảo nên không có căn cứ để xử lý", Thượng tá Sơn chia sẻ.
Trước đó, trên Zingnews.vn dẫn lời bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết: Các thương vụ bán lan đột biến với giá trị vài tỷ đồng cho tới vài chục tỷ đồng thời gian qua được nhắc đến trên mạng nhưng ngành thuế chưa xác định được dòng tiền chính thức ai phải trả.