Thời điểm tiêm kích Su-30MK2 gặp sự cố, hai phi công đã cùng bung dù và rơi xuống biển nhưng theo thông tin trên các báo, khoảng cách giữa hai dù của phi công chưa đồng nhất.
Liên quan vụ tiêm kích Su-30 gặp nạn khi trong quá trình huấn luyện bay, trong chiều 15/6, Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường – một trong hai người gặp nạn trên chiếc máy bay Su-30 đã được cứu và đưa vào đất liền ở Cảng Hải đội 2, Cửa Hội (Nghệ An).
Thông tin ban đầu về sự cố của Tiêm kích Su, phi công Cường cho biết, khi đang thực hiện nhiệm vụ bay cùng phi công Thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 923) thì bất ngờ gặp sự cố ở khu vực đảo Mắt (Nghệ An). “Nghe thấy tiếng nổ trong buồng lái, chúng tôi phải bung dù thoát khỏi máy bay, cả hai vẫn kịp nhìn thấy nhau trước khi rơi xuống biển” – Thiếu tá Cường cho biết.
Tuy nhiên, báo chí thông tin về khoảng cách bung dù giữa hai phi công Nguyễn Hữu Cường và Trần Quang Khải lại không trùng nhau.
Tiêm kích Su-30MK2 gặp nạn trên biển khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Ảnh: Internet |
Cụ thể, tin trên báo Dân trí ngày 15/5 đăng tải: “Phi công Nguyễn Hữu Cường kể lại thời khắc anh và Thượng tá Trần Quang Khải nhảy dù: "Khi máy bay Su-30MK2 gặp sự cố, tôi và anh Khải (Thượng tá Trần Quang Khải) đều bật dù nhảy ra khỏi máy bay. Tôi nhìn thấy dù của anh Khải rơi cách tôi chừng 7km. Không biết phi công Khải xử lí dù như thế nào?”.
Cùng ngày, báo Tiền phong đưa tin, sau nhiều lần thuyết phục, anh Lệ - chủ tàu cá cứu sống phi công Nguyễn Hữu Cường đưa máy điện thoại của anh Cường nói chuyện với PV Tiền Phong. Qua điện thoại, Thiếu tá Cường cho biết: “Bây giờ không kể được nhiều. Chỉ tóm tắt thế này, lúc máy bay đang cách mục tiêu 15km, bỗng nghe một tiếng nổ từ trong buồng lái. Hai anh em bung dù bay cách nhau khoảng 3km. Lúc rơi xuống biển cách nhau khoảng 6km. Tôi rơi ở gần bờ hơn. Còn theo tin trên báo Thanh niên, thì khoảng cách bung dù giữa hai phi công lại không phải là 6 hay 7km.
“Sau khi được tàu của ngư dân cứu, thiếu tá Cường đã gọi điện về cho đơn vị của mình báo tin. Thiếu tá Cường và thượng tá Khải đã kịp thời bung dù, 2 người bị văng ra 2 nơi cách nhau khoảng 4 km. Sau đó cả 2 phi công mất liên lạc với nhau. Thiếu tá Cường bị trôi dạt ra vùng biển giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa, được một tàu đánh cá của người dân ở Hà Tĩnh cứu vớt trong tình trạng trên người mặc áo phao và tỉnh táo” – Thượng tá Trần Công Lực, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ tung tích của phi công Trần Quang Khải. Ảnh: báo Nghệ An |
Được biết, sau khi đưa phi công Nguyễn Hữu Cường vào bờ an toàn, các phương tiện, lực lượng gồm tàu cá của ngư dân, tàu hải quân, biên phòng, cảnh sát biển và ít nhất 4 trực thăng vẫn đang tích cực tìm kiếm phi công còn lại bị mất tích là Thượng tá Trần Quang Khải.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định "ưu tiên nhất lúc này là phải tập trung tìm kiếm phi công Trần Quang Khải, các tàu và máy bay phải liên tục làm nhiệm vụ đến khi nào có lệnh mới được dừng".
Trước đó, đội hình tiêm kích Su-30MK2 số hiệu 8585 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29, chiếc Su-30MK2 bỗng biến mất khỏi màn hình radar khi đang trên vùng biển phía đông Nghệ An.
Phát hiện sự cố, ngay lập tức, các lực lượng gồm quân đội, cảnh sát biển, tàu cá ngư dân đã được huy động tìm kiếm. Sau đó, máy bay này được xác định rơi tại vùng biển khoảng 18-19 độ vĩ Bắc, 106,4 độ kinh Đông, cách đảo Mắt (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) về phía đông khoảng 4-6 km. Trên máy bay lúc đó có hai phi công là Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (Lục Ngạn, Bắc Giang) và Thượng tá Trần Quang Khải (Lạng Giang, Bắc Giang).
Sau một ngày đêm tìm kiếm, ngày 15/6, một tàu cá của ngư dân đã cứu vớt được Thiếu tá Cường. Ngay lập tức, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã cử tàu ra biển, tiếp cận tàu cá để đưa Thiếu tá Cường an toàn trở về. Tính đến thời điểm hiện tại, Thượng tá Khải vẫn chưa rõ tung tích.
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ông Đinh Viết Hồng cho biết, ngoài lực lượng của Trung ương, Bộ Quốc Phòng, Nghệ An đang huy động 56 tàu bao gồm 6 tàu của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Biên phòng và 50 tàu cá. Các tàu cá được chia làm 3 khu vực, dàn hàng ngang tìm kiếm trên diện tích biển từ Thanh Hóa vào Hà Tĩnh.
Vũ Đậu