"Du học Nhật Bản đã từng vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp đối với nhiều du học sinh Việt Nam, nhưng các công ty du học mọc lên ồ ạt đã gây ra nhiều hệ lụy khó lường…".
Đó là chia sẻ đau đáu của Tiến sỹ mỹ học T.H - người vừa quyết định nhượng lại toàn bộ cổ phần và chức Chủ tịch HĐQT của một Doanh nghiệp tư vấn du học khi nói với PV báo Người Đưa Tin.
Ước muốn của một người thầy
Xuất phát từ ý nghĩ, học sinh du học Nhật Bản sẽ tạo được điều kiện tốt, vừa có thể được học kiến thức lại vừa làm kinh tế, nên Tiến sỹ T.H đã dày công dựng lên một công ty tư vấn du học.
“Tôi muốn đưa con em Việt Nam sang Nhật để học kiến thức, trí tuệ, kỹ thuật của họ, về làm giàu cho đất nước hoặc kiếm tiền làm kinh tế giúp gia đình thoát nghèo”, thầy T.H. chia sẻ.
Tiến sỹ T.H đau đớn vì hiện tượng các công tư tư vấn du học 'mọc lên như nấm' làm méo mó thị trường du học Nhật Bản. |
Thầy H. cho biết, qua tìm hiểu, hiện nay, tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, 174.000 cử nhân thất nghiệp và con số này sẽ còn tăng. Trong khi đó, mỗi gia đình đầu tư cho con cái học đại học 4 năm hết khoảng 150 triệu đồng, chưa kể gia sư kèm để học đại học. Tốt nghiệp ra trường có tới 55% số này thất nghiệp, lương ra trường rơi vào khoảng 3 đến 4 triệu/tháng, thậm chí chỉ 2,5 triệu, không đủ chi tiêu, huống gì tích lũy.
Nhưng khi sang Nhật, tổng số tiền đầu tư hết khoảng 230 triệu đồng, học sinh phải nộp trước 20 triệu để công ty làm hồ sơ sang Nhật. Học sinh được học miễn phí 4 - 5 tháng tiếng Nhật tại công ty; sau đó nộp nốt số tiền còn lại và làm visa bay sang Nhật.
Sang đến nơi, 2 năm đầu tiên học tiếng Nhật; một ngày trung bình học 3,5 tiếng vào buổi sáng, buổi chiều; tối học sinh tranh thủ làm thêm được 4 tiếng với thu nhập 200.000 đồng/h, tức là 1 ngày kiếm được gần 1 triệu đồng. Thứ 7, Chủ Nhật làm thêm cả ngày, thu nhập sẽ cao hơn. Nếu như vậy thì theo tính toán trước, những học sình này có thể kiếm được từ 20 đến 35 triệu/tháng.
Chi tiêu toàn bộ ở Nhật khoảng một nửa số tiền này. Nhưng, năm đầu tiên, học sinh sẽ được tài trợ tiền học ở Nhật và 3 tháng nhà ở.
Sau 2 năm tốt nghiệp tiếng Nhật, học sinh sẽ được học trung cấp, học nghề, học đại học. Sau 3 năm học cao đẳng, học nghề ra thì lương ở Nhật khoảng 40 triệu/tháng. trừ phí còn 20 triệu gửi về. Tốt nghiệp 4 đến 4,5 năm đại học ở Nhật thì lương ra trường từ 40 đến 80 triệu/tháng, tiết kiệm bình quân 50 - 60triệu/tháng.
Thầy H. tâm sự: “Đó là những điều tôi nhìn thấy, có thể giúp ích cho con em chúng ta. Với mong muốn cuối đời, (Tiến sỹ T.H là giảng viên đại học Quốc gia Hà Nội) - một người đã nghỉ hưu rồi, tôi vẫn muốn góp một phần công sức xây dựng quê hương mình giàu đẹp hơn. Chính vì thế, tôi đã thành lập công ty du học Nhật Bản. Với nhiều mối quan hệ, với niềm tin mà mọi người dành cho tôi, ở hầu khắp các tỉnh, tôi đến người thân tin tưởng giao con em cho tôi đưa đi…”.
Đau lắm…
Nhận thấy rằng, nhu cầu học ở Nhật Bản là rất cần thiết, nhưng mỗi gia đình để có được số tiền 230 triệu cho con đi học thì vô cùng khó và hầu như là đi vay. Họ bất chấp khó khăn, vay lãi ngân hàng để hi vọng con sang Nhật kiếm được nhiều tiền để về trả nợ, để gia đình được khá giả.
“Nhưng có một bất cập đang diễn ra là người Việt sang đó quá đông, với lợi nhuận quá lớn nên các công ty mọc lên như nấm. Nhiều công ty đang mang con bỏ chợ”, Tiến sỹ T.H chia sẻ.
Thày T.H. cho biết thêm, ông nhận ra điều này sau một đêm nói chuyện với các học sinh đã sang Nhật và biết rằng mỗi ngày, các em phải đi làm rất vất vả, chỗ ăn, chỗ ở không có, xảy ra nhiều tệ nạn trộm cắp, lừa đảo,…
Đại sứ quán Nhật Bản cảnh báo: người có nguyện vọng du học không nên bị mê hoặc bởi các thông tin sai lệch về "vừa học vừa làm" ở Nhật Bản. Ảnh: TNO |
Mỗi ngày mất sáu tiếng ngồi tàu đi về, đến nơi làm suốt 8 - 9 tiếng trong đêm thì còn sức đâu học tiếng Nhật nữa. Nếu cứ như vậy sau 1 năm, các trường học kiểm tra tiếng, học sinh chắc chắn không đạt yêu cầu thì đồng nghĩa họ không cấp visa nữa và những học sinh này bắt buộc phải về nước.
Lúc này về, số tiền tích lũy được chỉ khoảng 40- 50 triệu, trừ đi số tiền đã vay lãi thì bố mẹ nợ gần 200 triệu ở quê. Số tiền nợ này với mức lương của bà con nông dân Việt thì bao đời mới trả hết được?!
Nhìn thấy một trong hai trường hợp đã được đưa đi, học sinh có việc thì còn đỡ, còn những người khác không có việc thì lại phải nhờ họ hàng bạn bè nuôi, đúng là cực khổ vô cùng…
“Đưa các em đi với mong muốn cuộc sống của các em sẽ tốt hơn, nhưng thấy được điều đó, mà cứ kéo dài công việc này, tôi sẽ là người mắc nợ, là người thất đức. Tôi đi đến quyết định dừng hoạt động tại công ty của mình từ 10/5/2015 và bàn giao cho người khác, mặc dù tôi đã đầu tư nhiều tiền bạc và công sức”, thầy T.H. đau đáu.
Thầy H. cho biết, trước đây, khi tham gia công ty xuất khẩu lao động, ông đã thẩm định thị trường Nhật Bản và một số công ty xuất khẩu lao động khác, thấy được rằng, họ làm rất tốt. “Tuy nhiên, ngày xưa là thiên đường, bây giờ là địa ngục”, T.H nói.
Theo thầy T.H, thứ nhất với lợi nhuận đưa học sinh đi du học cao, thị trường Nhật cần lao động người Việt Nam, người sang quá nhiều, việc làm quá ít, quan hệ cung cầu nên việc làm rất khó, thậm chí không xin được việc làm.
Thứ hai là các công ty đưa sang quá nhiều mà không có trách nhiệm, không bố trí người bên kia để đưa đón, lo tư vấn, xin việc làm, hứa hão rất nhiều nhưng thực tế là không có, các em sang phải tự lo hết.
Các học sinh muốn tìm việc làm để có được 20 triệu thì số tiền chi phí đã gần như hết, đó là phải nộp tiền cho cò môi giới thiệu việc làm khoảng 4 triệu đồng, cho tàu xe và ăn uống, nhà ở nữa là hết. Sau 1 năm, các trường Nhật kiểm tra tiếng, không đáp ứng được thì phải về nước, như vậy số tiền lo đi học mất trắng.
Sau một quãng thời gian trải qua, thầy T.H khuyên rằng, hầu hết các công ty tư vấn du học mọc lên như nấm vì lợi nhuận, hứa hẹn nhiều nhưng đều mang con bỏ chợ, không chu đáo, trách nhiệm các công ty chưa cao.
Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục tiếp diễn sẽ nguy hiểm vô cùng. Vì thế Nhà nước cần có cơ chế quản lý chặt và kiểm tra các công ty xem chức năng nếu tốt thì cho phép hoạt động.
Nếu không quản lý chặt chẽ, cho các công ty thành lập lan tràn mà thiếu trách nhiệm thì hàng vạn gia đình Việt Nam lâm vào cảnh nợ nần, túng bấn; đồng thời, các cơ quan quản lý cần kiểm tra kĩ việc cấp phép, đảm bảo vấn đề năng lực. Tiếp nữa là cần rà soát lại tất cả các công ty, kiểm tra trực tiếp các em học sinh sang Nhật xem họ như thế nào, có việc làm không.
Song song với đó liên hệ những gia đình có con sang Nhật xem thực tiễn như thế nào để qua đó rút kinh nghiệm và chấn chỉnh lại vấn đề giấy phép. Thanh tra các công ty, thấy có dấu hiệu lừa đảo, yếu kém thì dừng ngay lập tức và phạt thật nặng để răn đe các công ty khác...
Từ lời tâm sự đầy đau xót của Tiến sỹ T.H, nhóm PV báo Người Đưa Tin đã vào cuộc điều tra, tìm hiểu, phát hiện nhiều thông tin chấn động về thực trạng du học tại Nhật Bản…
Đức Kế - Đức Anh
(Còn nữa)