(Tinmoi.vn) Tại phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và các đồng phạm, bà Phạm Thị Mai Phương (vợ bị cáo Dương Chí Dũng) đã cho biết Dương Chí Dũng đã lấy hơn 10 tỷ đồng của vợ để mua 2 căn hộ cho bồ nhí
Ấn F5 để liên tục cập nhật xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng
17h37: HĐXX quyết định dừng buổi làm việc. Ngày mai (23/4), tòa tiếp tục làm việc.
17h30: Đại diện Bộ Tài chính nói: Theo giấy mời, tôi là một trong 5 giám định viên của 5 Bộ. Ở phiên sơ thẩm, tôi được Bộ Tài chính cử đi với tư cách là đại diện Bộ tài chính. Tôi xin giải thích về Kết luận giám định tư pháp của liên Bộ:
Ụ nổi đã 43 tuổi có đủ điều kiện nhập khẩu không? Chúng tôi đã nói rõ căn cứ vào điều 11 Luật Hàng Hải, tàu biển là cấu trúc nổi di động. Ụ nổi phải lai dắt, không tự đi động được, chỉ nổi chìm. Vấn đề này tranh luận nhiều khi đưa ra kết luận giám định. Sau đó, chúng tôi đã chấp nhận nó coi như tàu biển. Tuy nhiên, điều kiện để nhập khẩu (tàu quá 15 tuổi không được nhập khẩu) không bảo đảm thì trách nhiệm thuộc về chủ doanh nghiệp là Vinalines.
Về thủ tục hải quan: có một quy định hải quan phải kiểm tra, giám sát hàng hóa, điều đầu tiên phải biết hàng hóa đó tên là gì. Ở mỗi quốc gia có một tên gọi khác nhau nên mới có công ước HS, xác định tên hàng hóa, tính năng, tác dụng của hàng hóa để đánh mã số cụ thể.Tôi khẳng định một điều là căn cứ vào HS thì ụ nổi tên nó là ụ nổi. Khi tranh luận chúng tôi đặt giả thuyết nếu trùng thì các mã số phải trùng, nhưng ở đây các mã số khác nhau.
Khoản 2 điều 2 Luật Hàng hải quy định nếu luật này mâu thuẫn với công ước quốc tế thì phải tuân theo công ước quốc tế. Kết luận giám định, chúng tôi không có kết luận cán bộ hải quan sai, chúng tôi chỉ đưa ra khuyến cáo việc áp dụng công ước HS là hoàn toàn đúng. Nhưng Luật Hàng hải coi đó là tàu. Khi luật có mâu thuẫn, nếu cán bộ hải quan có văn bản hỏi Tổng cục Hải quan thì không có vấn đề gì. (Tất nhiên là nếu không hỏi cũng không sai một khi đã cho rằng công ước HS cao hơn tất cả). "Tôi xin chịu trách nhiệm của mình trước tòa, trước cơ quan chức năng về kết luận của mình". Vị này nói.
17h15: Chủ tọa hỏi Đại diện Bộ GTVT:
Chủ tọa: Bộ GTVT có một số văn bản trả lời kiến nghị của bị cáo Dương Chí Dũng về ụ nổi có phải là tàu biển không? Đến giờ này, Bộ xác định ụ nổi có phải là tàu không?
Đại diện Bộ GTVT: Đến giờ Bộ vẫn khẳng định ụ nổi không phải là tàu biển. Bộ GTVT là cơ quan soạn thảo Luật Hàng Hải. Điều 11 quy định tàu là vật thể nổi, di động được trên biển. Ụ là cấu trúc nổi, bảo đảm được điều kiện cần rồi, nhưng không tự di động được, cần có tàu kéo đi.
Chủ tọa: Quy phạm ụ nổi nằm trong hệ thống quy phạm tàu biển, trường hợp này phải nhận thức ụ nổi là tàu biển đúng không?
Đại diện Bộ GTVT: Chúng tôi nhận thức không phải là tàu biển.
16h40: HĐXX xét hỏi bà Phạm Thị Mai Phương- Vợ bị cáo Dương Chí Dũng. Bà Phương đã kháng cáo yêu cầu hủy quyết định kê biên 3 căn nhà của Dương Chí Dũng.
Bà Phương cho rằng, 2 căn hộ của cô T (bồ nhí của Dương Chí Dũng) do Dương Chí Dũng lấy tiền của vợ để mua. Do đó bà phải lấy lại căn hộ, không đồng ý kê biên hai căn hộ này.
Còn căn nhà 2 vợ chồng ở là do tiền chung 2 vợ chồng, tiền bố mẹ bà Phương cho và cũng một phần do bà tự kinh doanh có tiền mua, phần tiền của Dương Chí Dũng trong đó không nhiều.
16h17: Bị cáo Triện cho rằng, mình hoàn toàn không biết ụ nổi là tàu biển. Bị cáo thực hiện kiểm tra bước 2. Bị cáo không biết ụ nổi đã cũ và hỏng. Đặc biệt, trong quá trình thẩm vấn, bị cáo Triện cho rằng cán bộ điều tra đã gây sức ép. Bị cáo đã yêu cầu được khai báo lại nhưng không được chấp nhận. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng bị cáo nói như vậy thì cần phải có căn cứ.
16h10: Bị cáo Lừng là người được giao kiểm tra ụ nổi bước 3. Bị cáo khai nhận, lúc được giao hồ sơ là 15h30 chiều, bị cáo ra đến nơi thì đã 17h tối. Khi lên ụ nổi, Lừng đã yêu cầu bật đèn để kiểm tra. Lúc đó đã chiều muộn, Lừng đã mang hồ sơ cất ở nơi làm việc. Và sau đó, Lừng đã báo cáo là ụ nổi đã cũ với Đức. Khi kiểm tra, bị cáo Lừng đã không đọc hết hồ sơ, đồng thời có biết ụ bị han gỉ nhiều, máy phát điện hỏng. Tuy nhiên, do bị cáo nghĩ rằng nếu sửa chữa thì sẽ hoạt động được. Đặc biệt, bị cáo khẳng định đã báo cáo cấp trên nhưng Đức nói với Lừng rằng cứ cho thông quan.
Bị cáo Đức lập luận lý do cho thông quan ụ nổi, bị cáo Đức cho rằng, hồ sơ ụ nổi là loại hồ sơ của hàng hóa thông thường. Do đó không cần các loại giấy phép của Bộ, giấy kiểm định ô nhiễm môi trường. Bị cáo nhận thức ụ nổi có cấu trúc di động như tàu biển. Do đó bị cáo và đại diện bước 2, bước 3 đã cho thông quan. Theo bị cáo, chỉ vì nhận thức chưa chuẩn nên dẫn đến sai sót. Và việc tòa sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường 9 tỷ đồng là quá nặng nề. Bị cáo Đức cũng khai nhận, đây là lần đầu tiên chi cục Hải quan Vân Phong (Khánh Hòa) cho thông qua một loại mặt hàng là ụ nổi.
Bị cáo Đức cho rằng việc bị tuyên phạt 8 năm tù về tội cố ý làm trái là đúng người đúng tội. Việc áp mã số ụ nổi, bị cáo Đức khẳng định do xác định đây là loại hàng hóa thông thường, không cần giấy phép của Bộ quản lý chuyên ngành cũng như giấy chứng nhận đảm bảo ô nhiễm môi trường. Vậy nên bị cáo và các đồng phạm đã cho phép thông quan.
Bị cáo Lừng trình bày hoàn cảnh "Vợ bị cáo đang ung thư giai đoạn cuối, bố mẹ già, bị cáo lại nhiều năm công tác trong ngành quân đội, 6 năm bảo vệ quần đảo Trường Sa... mong quý Tòa xem xét giảm nhẹ mức án", xin giảm án, bị cáo cho rằngi 8 năm tù với bị cáo là quá nặng.
Bị cáo cũng xin giảm nhẹ khoản bồi thường 9 tỷ vì đó là khoản tiền quá lớn đối với bị cáo.
15h40: Thẩm vấn ba bị cáo nguyên là cán bộ hải quan Vân Phong, Khánh Hòa: Lê Văn Lừng, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện đều bị tuyên án 8 năm tù về tội cố ý làm trái
15h15: HĐXX xét hỏi Lê Văn Dương, cựu Đăng kiểm viên. Bị cáo Dương xin được giảm hình phạt, thay vì xin minh oan như kháng cáo trước đó.
HĐXX: Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo kêu oan. Tại tòa, bị cáo có thay đổi nội dung kháng cáo không?
Bị cáo Dương: Bị cáo xin thay đổi, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX: Theo nhận thức của bị cáo, ụ nổi có phải tàu biển không?
Bị cáo Dương: Theo nhận thức của bị cáo, đến thời điểm này, bị cáo vẫn cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển.
15h: Tòa thẩm vấn bị cáo Mai Văn Khang
Tòa chuyển sang thẩm vấn bị cáo Mai Văn Khang, cựu Phó TGĐ Cty TNHH Một thành viên Vận tải viễn Dương.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa "Bị cáo kêu oan hay xin giảm nhẹ?", ông Khanh ấp úng: "Nếu HĐXX xét thấy bị cáo không có tội thì minh oan cho bị cáo, nhưng nếu thấy có tội thì xin giảm nhẹ hình phạt ạ".
14h37: Tòa thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn.
Tòa yêu cầu hỏi Trần Hải Sơn. Về việc đưa tiền cho Dương Chí Dũng, tòa đề cập lại chi tiết các bị cáo Dũng, Phúc cho rằng có thể Sơn bị ép cung, mớm cung để “đổ vấy” tội cho cấp trên. Sơn phủ nhận, cho rằng mọi lời khai đều được ghi trung thực.
Báo cáo khảo sát ụ nổi, Sơn trình bày, Mai Văn Khang là người lập báo cáo sơ bộ sau đó các thành viên trong đoàn cùng ký nháy vào báo cáo là ụ nổi 83M đủ điều kiện để mua. Còn việc trình đề xuất mua là do Trần Hữu Chiều.
Thồn tin từ báo Vietnamnet trích lại thẩm vấn của Tòa đối với bị cáo Trần Hải Sơn:
- Liên quan đến lời khai của bị cáo về việc Phúc và Dũng phạm tội Tham ô, bị tuyên mức án cao nhất, vậy lời khai của bị cáo có khách quan và sự thật không?
-Có ạ.
- Bị cáo Dũng cho rằng, có thể ở giai đoạn điều tra bị cáo bị ép cung, mớm cung, tại tòa, bị cáo khẳng định có bị ép cung, mớm cung không?
-Dạ không.
- Liên quan đến câu hỏi bị cáo Phúc, bị cáo cùng với Khang đi khảo sát không?
-Dạ có ạ.
- Quyết định là do bị cáo Phúc ký đúng không?
-Vâng ạ.
14h20: Hội đồng xét xử chuyển sang thẩm vấn bị cáo Mai Văn Phúc. Trả lời các câu hỏi của kiểm sát viên, ông Phúc cho rằng, có nhiều lúc ông ta ký kết văn bản nhưng... không đọc, do tin tưởng cấp dưới.
Tuy nhiên, ông Mai Văn Phúc cũng thừa nhận, những sai phạm ở Vinalines có phần trách nhiệm của mình.
14h10: Hội đồng xét xử xét hỏi bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines)
Bị cáo Trần Hữu Chiều khai nhận có tham gia khảo sát mua ụ nổi 83M, và đoàn công tác không phân công ai là trưởng đoàn.
14h: HĐXX tiếp tục làm việc.
Tại phiên làm việc buổi sáng, hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều không nhận tội tham ô, không thừa nhận đã nhận 10 tỷ đồng do Trần Hải Sơn đưa sau khi được Công ty AP (Singapore) lại quả 1,66 triệu USD vụ mua ụ nổi 83M.
Bị cáo Dương Chí Dũng và các bị cáo khác trước vành móng ngựa. Ảnh: TTXVN.
Cũng trong quá trình thẩm vấn tại tòa, HĐXX cho rằng, vai trò của bị cáo Sơn trong vụ mua ụ nổi là rất không nhỏ vì đã được chia tiền lại quả 7,8 tỷ đồng chỉ sau Dũng và Phúc.
Nhóm P.V