Tiếp viên hàng không Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Trước đó, cảnh sát Tokyo đã tạm giữ một nữ tiếp viên Vietnam Airlines vì tình nghi cô này buôn lậu đồ ăn cắp, đồng thời đã khám xét văn phòng của hãng hàng không Vietnam Airlines tại Tokyo, trang tin Japan Daily Press (Nhật Bản) đưa tin ngày 26/3.Cảnh sát Nhật cũng đang xem xét điều tra các nhân viên khác của Vietnam Airlines, và đã mời bốn tiếp viên cùng một cơ phó lên chất vấn. Hiện năm người này không ở Nhật và cảnh sát đang chờ họ trả lời.
Japan Daily Press cho hay, tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc, 25 tuổi, bị tình nghi đã mang 21 món đồ quần áo trị giá khoảng 1.200 USD lên xe buýt đặc chủng của Vietnam Airlines từ một khách sạn ở Osaka sang phi trường quốc tế Kansai vào tháng 9/2013.
Số đồ đạc nói trên đến từ một cư dân Nhật gốc Việt 30 tuổi, người đã bị khởi tố vì mua đồ ăn cắp.
Tuy nhiên, một số thông tin cho biết, Ngọc không hề biết số hàng mà mình xách tay về Việt Nam tiêu thụ là hàng do người bán đi ăn cắp mà có, đồng thời Ngọc cũng thừa nhận rằng thường mang đồ về Việt Nam như vậy để kiếm thêm thu nhập.Dư luận đang đặc biệt quan tâm xem nếu bị xem xét và xử lý thì Ngọc có bị xử lý về hành chính hay không hay sẽ phải xử lý về mặt hình sự. Để bạn đọc hiểu được các quy định của pháp luật trong trường hợp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thạc sỹ - luật sư Nguyễn Hồng Bách – chủ tịch HĐTV công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự.
PV: Thưa luật sư Nguyễn Hồng Bách, ông có suy nghĩ gì về sự kiện báo chí đang rất quan tâm khi Nguyễn Bích Ngọc – tiếp viên hàng không của hãng hàng không Việt Nam Airlines đang đối mặt với các cáo buộc không mấy tốt đẹp?
Thạc sỹ - luật sư Nguyễn Hồng Bách: Có lẽ không chỉ tôi mà rất nhiều người sẽ cảm thấy rất buồn khi nghe thông tin này. Trước đây chúng ta cũng đã từng mất mặt khi có những người nổi tiếng ra nước ngoài và cầm nhầm đồ trong siêu thị và không trả tiền, đến nay lại có thông tin này thì làm sao chúng ta không buồn được?
Tuy nhiên, tôi cho rằng ý chí chủ quan của Ngọc chỉ đơn thuần là tận dụng nghề của mình thuận lợi về đi lại để có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Chúng ta cũng cần hiểu và phải rất cảm thông đối với chị Ngọc là có thể chị không hiểu được luật pháp quy định trong trường hợp này và các chế tài áp dụng. Do đó mà vô tình vướng phải. Có lẽ sau mỗi lần như thế này chúng ta cần phải nhìn nhận lại mình một cách nghiêm túc và cũng cần phải hiểu rõ các quy định của pháp luật để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra trong tương lai.
PV: Thưa luật sư Nguyễn Hồng Bách, như vậy hành vi của chị Ngọc sẽ bị xử lý hành chính hay sẽ bị xử lý hình sự? Và có ý kiến cho rằng Ngọc có thể bị xử lý về tội TỘI BUÔN LẬU . Nếu bị xử lý hình sự về tội buôn lậu thì Ngọc sẽ đối mặt với hình phạt như thế nào?
Thạc sỹ - luật sư Nguyễn Hồng Bách: Tôi luôn luôn mong muốn rằch chị Ngọc sẽ không bị vướng vào vòng lao lý. Thế nhưng cái khó ở đây là luật pháp đã quy định thì có giá trị thi hành đối với tất cả mọi người nếu họ có hành vi phạm luật. Khi đó, mọi hành vi sẽ bị xem xét dưới góc độ luật pháp.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 153 BLHS 1999, Sửa đổi bổ sung năm 2000 thì:
1. Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này;
b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá;c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này.”
Đối chiếu với trường hợp của chị Nguyễn Bích Ngọc thì: Giá trị tài sản chị Ngọc vận chuyển khoảng 25 triệu đồng Việt Nam, tức là nhỏ hơn mức giới hạn 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng quy định tại khoản 1 Điều 153 đối với trường hợp chưa bị xử phạt vi phạm hành chính lần nào. Tuy nhiên, theo thông tin các báo đăng tải, chị Nguyễn Bích Ngọc đã thừa nhận nhiều lần thực hiện hành vi xách tay hàng hóa về Việt Nam nhằm kiếm thêm thu nhập.
Theo quy định tại Ðiều 6 Nghị định 66/2002/NÐ-CP ngày 1-7-2002 quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế, hành lý được miễn thuế của người nhập cảnh bao gồm: rượu, đồ uống có cồn; thuốc lá; trà, cà phê; quần áo, đồ dùng cá nhân có số lượng phù hợp cho mục đích chuyến đi; các vật phẩm khác (không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) tổng trị giá không quá 5.000.000 (năm triệu) đồng Việt Nam.
Số hàng hóa mà chị Ngọc bị phát hiện lên đến 25 triệu đồng (gấp 5 lần mức tổng giá trị hàng hóa được miễn thuế cho người nhập cảnh). Do đó, theo quy định tại Điều 6 nghị định 66/2002/NĐ-CP thì số hàng hóa (quần áo, mỹ phẩm…) phải được kê khai hải quan trên tờ khai xuất/nhập cảnh. Tuy nhiên, chị Ngọc không thực hiện việc kê khai theo quy định của pháp luật. Hành vi này của chị Ngọc có thể bị xác định là hành vi trốn thuế xuất nhập khẩu.
Do hành vi vận chuyển được thực hiện vào tháng 9/2013. Thời điểm này theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 98/2007/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế ban hành ngày 7/6/2007 thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế là 5 năm.“Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi chậm nộp tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế, thời hiệu xử phạt là 05 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện”
Nếu lời khai của chị Ngọc là đúng và cơ quan điều tra chứng minh được hay xác định được hai yếu tố:
Thứ nhất: Số lần thực hiện hành vi dưới hình thức xách tay hàng hóa trong khoảng thời gian 5 năm gần đây (chưa quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính). Thứ hai: Tổng giá trị hàng hóa các lần mà Nguyễn Bích Ngọc thực hiện vận chuyển qua đường hàng không có giá trị trên 100 triệu đồng thì có thể có đủ căn cứ để khởi tố chị Nguyễn Bích Ngọc về Tội buôn lậu theo khoản 1 Điều 153 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2000 với mức hình phạt “bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
PV: Có ý kiến cho rằng chị Ngọc cũng có thể bị xem xét về tội TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ, vậy trong trường hợp này thì chị Ngọc có bị xử lý không và trách nhiệm hình sự sẽ như thế nào thưa luật sư?
Thạc sỹ - luật sư Nguyễn Hồng Bách: Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại Điều 250 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2000 như sau: "Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .”
Theo Tri Thức Trẻ