Hình ảnh về một người đàn ông đỗ xe ô tô ở ngã tư rồi thản nhiên đi vệ sinh đã gây bão trong dư luận mấy ngày gần đây. Hành vi này đã đặt ra một vấn đề văn hóa về ý thức của mỗi người dân nơi công cộng và biện pháp để khắc phục.
Câu chuyện về thói xấu tiểu đường, ị phố, của người Việt vốn "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", một lần nữa lại gây bão mạng khi truyền thông và các mạng xã hội đăng tải những bức ảnh về một người đàn ông mặc vest trong lúc đứng chờ đèn đỏ ở một ngã tư, thản nhiên tiểu bậy vào dải phân cách trước mặt người qua đường. Hành vi xấu xí đến thô bỉ này cũng một lần nữa đặt ra vấn đề về lòng tự trọng, ý thức, văn hóa của mỗi người dân ở nơi công cộng và làm thế nào để chấm dứt thói xấu này?
Trên thực tế, hành vi tiểu đường, ị phố không phải là hiếm ở Hà Nội ngàn năm thanh lịch. Từ dọc đường quốc lộ, đường cao tốc, đến các điểm vui chơi công cộng, khu vực "con đường gốm sứ"trên đê Nguyễn Khoái, bất kỳ thời điểm nào cũng thấy cảnh "trút bầu tâm sự". Đó có thể là một anh thanh niên hoặc một bác trai lớn tuổi đứng đắn vô tư vạch quần xả nước thải, miễn là mặt quay về gốc cây hoặc quay về tường. Đó cũng có thể là một phụ nữ trẻ xinh đẹp sẵn sàng bế con, vạch quần cho đứa bé tè, ị ngay ở dưới lòng đường, trên hè phố.
|
Người đàn ông ngang nhiên đi tiểu bậy giữa đường. Ảnh Internet |
Đem câu chuyện về hành vi thiếu văn hóa này trao đổi với GS-TS Trần Lâm Biền - nhà nhiên cứu về văn hóa Việt Nam. Giáo sư Bền tỏ ra ngạc nhiên khi biết có người ngang nhiên tè bậy giữa phố đông người. "Nếu người đàn ông nói trên không đi ô tô thì có lẽ nhiều người sẽ nghĩ anh ta là người có vấn đề về thần kinh. Bởi người bình thường không mấy ai lại có hành vi như vậy, hành động này là không thể chấp nhận được", ông Bền nói.
“Con người bình thường, dù là một người nông dân, hay một người nghèo khó thì cũng không ai làm như thế cả. Con người dù chỉ có chút văn hóa tối thiểu thì phải biết là đi vệ sinh phải đi ở chỗ nào. Không phải chỗ nào anh cũng có thể đi vệ sinh được. Ở trường hợp này lại là hành vi tiểu bậy giữa thanh thiên bạch nhật, ở giữa đường phố của Thủ đô có đông đúc người qua lại. Người đàn ông này thực sự vô văn hóa, hành động này đáng phải phê phán bởi anh ta đang coi trọng cá nhân mình hơn cộng đồng”, ông Bền khẳng định.
Theo ông Bền để giải quyết tình trạng này phải đặt mục đích giáo dục xã hội cao hơn nữa, ngoài ra cũng cần tác động từ những nhà quản lý đô thị.
Nhận xét về việc này, ông Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) thì có thể do người đàn ông này không kìm chế được “nỗi buồn”.
“Cũng có thể do người đàn ông này bệnh hoạn, văn minh đô thị không cho phép con người làm chuyện này công khai trước mặt mọi người. Nếu trong trường hợp người này bị bệnh thì chúng ta không bàn đến. Còn người này hoàn toàn bình thường thì họ đang coi thường pháp luật coi thường cộng đồng”, ông Đức phân tích.
Tuy nhiên ông Đức nhấn mạnh, từ hành động này mới cho chúng ta thấy vấn đề quản lý đô thị cũng là vấn đề đáng lưu tâm, đi vệ sinh là một nhu cầu rất bản năng của con người và có thể thông cảm vì người ta không thể tìm được chỗ để đi vệ sinh.
Nói về nguyên nhân của những hành động đáng lên án này ông Đức cho biết: “Do ý thức của cộng đồng chưa cao. Những bài học từ tấm gương ở Nhật Bản khi họ gặp sóng thần vẫn lặng lẽ xếp hàng rất trật tự hay về văn hóa giao thông cũng khiến chúng ta phải học tập. Từ đó cho thấy nhận thức chung về văn hóa công cộng của người Việt cần phải thay đổi, điều chỉnh”.
Theo ông Đức để nâng cao ý thức của người dân thì có nhiều cách giải quyết: Cần phải quản lý đô thị tốt, ý thức xây dựng cơ sở (để người dân giải quyết nhu cầu của đời sống xã hội, có hình thức giáo dục, nâng cao trình độ, biện pháp phạt hành chính, ép buộc người dân phải thực hiện).
Đầu tiên, phải giáo dục các em ngay từ lớp mẫu giáo cộng hưởng giáo dục toàn dân, tăng cường hệ thống pháp luật, các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường hơn nữa việc giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân để cho họ thấy và họ thực hiện theo.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Nguyên cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội thì người Việt Nam có thói quen vệ sinh công cộng khá bừa bãi. Điều đó có nhiều nguyên nhân. Thói quen này xuất phát từ một nhóm nhỏ người Việt Nam không chuẩn, đi vệ sinh chỗ nào cũng được.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, phải thấy rằng, ở Việt Nam ít nhà vệ sinh công cộng. Nếu có nhà vệ sinh công cộng mà người ta vẫn đi linh tinh bên ngoài thì việc xử phạt là cách tốt nhất để răn đe.
Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có 340 nhà vệ sinh công cộng, trong đó 263 điểm cố định (phân bố chủ yếu ở các ngõ xóm, phục vụ nhân dân trong các khu tập thể) và 104 lắp ghép bằng thép (phân bố chủ yếu tại khu công cộng, vui chơi, giải trí, điểm chờ xe buýt trên địa bàn 10 quận và thị xã Sơn Tây). Tuy nhiên, nhà vệ sinh bố trí chưa đều và thiếu nên chưa đáp ứng nhu cầu của khách vãng lai và du khách. |
Thu Trang