Khóa 34.700 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, chặn 9 triệu cuộc gọi giả mạo
Theo đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, trong 3 tháng gần đây, các nhà mạng đã khóa chiều đi với 34.700 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, đồng thời ngăn chặn trên 9 triệu cuộc gọi giả mạo.
Việc ngăn chặn cuộc gọi rác được các doanh nghiệp viễn thông thực hiện tập trung theo quy trình khép kín gồm 4 bước: Xác định các thuê bao nghi phát tán cuộc gọi rác; Xác thực lại xem đó có phải là cuộc gọi rác hay không; Ngăn chặn; Chăm sóc khách hàng, xử lý khiếu nại.
Thời gian qua, việc này đã được các nhà mạng thực hiện tương đối tốt, thu được kết quả khả quan. Từ tháng 7/2020 đến nay, các nhà mạng khóa chiều gọi đi hơn 34.700 thuê bao; chỉ riêng tháng 9/2020, các nhà mạng đã khóa 16.288 thuê bao.
Lý giải về tình trạng vẫn còn cuộc gọi rác, đại diện Cục Viễn thông cho rằng, một nguyên nhân chủ yếu là sự phối hợp của người dân chưa tốt.
Trong quy trình xác thực cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ nhắn tin hoặc gọi điện đến người dân để đề nghị xác thực có phải là cuộc gọi rác hay không. Nhưng tỷ lệ người dân phối hợp để xác thực còn thấp chỉ 5 – 7%, tức là khi nhà mạng gửi khoảng 100 tin nhắn yêu cầu xác thực thì chỉ có 5 – 7 người trả lời.
Cho khách dùng 'Wi-Fi miễn phí', 5 chủ quán bar ở Pháp có nguy cơ ngồi tù
Tại thành phố Grenoble, Pháp, 5 chủ quán bar mới đây đã bị bắt vì đang cung cấp dịch vụ Wi-Fi miễn phí cho khách hàng mà "không ghi nhật ký".
Họ bị cáo buộc lơ là trong việc lưu giữ hồ sơ dữ liệu kết nối của hệ thống Wi-Fi miễn phí, được họ cung cấp như một dịch vụ trong cửa hàng. Tuy nhiên, theo kênh truyền hình Pháp BFM Business thì có một vấn đề là "nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ dữ liệu kết nối này không phải ai cũng biết".
BFM Business chỉ ra rằng ngay cả các chuyên gia từ UMIH, một tổ chức sử dụng lao động Pháp trong lĩnh vực khách sạn và ăn uống, cũng không nhắc tới vấn đề này khi cấp giấy phép cho các cơ sở kinh doanh.
Phản hồi lại vấn đề, Umih thừa nhận rằng các khóa đào tạo của họ không đề cập đến việc ghi nhật ký Wi-Fi nhưng lưu ý rằng các thành viên Umih "lẽ ra phải biết về yêu cầu quan trọng này vì nó đã được đề cập trong một bản tin".
Theo quy định, vi phạm nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ dữ liệu kết nối có thể bị phạt tới 75.000 euro (khoảng 2 tỷ đồng) và 1 năm tù. Các hãng truyền thông Pháp đang kêu gọi các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm bảo việc tuân thủ luật pháp.
Ẩn ý trong thư mời tham dự buổi ra mắt sản phẩm của Apple
Apple vừa gửi thư mời tham dự buổi ra mắt sản phẩm mới vào 10 giờ sáng ngày 13/10 (0h ngày 14/10 theo giờ Việt Nam). Khẩu hiệu năm nay là 'Hi, Speed', kết hợp với hình ảnh đi kèm đưa ra một số gợi ý về những sản phẩm được công bố trên sân khấu Apple Park.
Nền thư mời sự kiện ngày 13/10 có màu xanh đậm với các vòng tròn màu cam pha lẫn xanh lam, bao quanh logo Apple.
Theo 9to5mac, gợi ý rõ ràng nhất chính là khẩu hiệu "Hi, Speed". Nó đề cập đến hai tính năng nổi bật của iPhone 12: kết nối 5G và bộ xử lý A14.
Apple A14 Bionic lần đầu xuất hiện tại sự kiện công bố iPad Air 2020, dự kiến chip di động mạnh mẽ này sẽ tiếp tục là nền tảng cho iPhone 12. Về kết nối 5G, hàng loạt tin đồn gần đây đều cho rằng toàn bộ dòng iPhone 12 sẽ hỗ trợ mạng di động mới nhất.
Màu xanh lam của thư mời gợi ý đến phiên bản 'Midnight Blue' trên dòng iPhone 12 – tương đồng với màu sắc mới của Apple Watch Series 6. Ngoài ra, màu cam trên hình ảnh cũng có thể đại diện cho một màu iPhone 12 chưa được biết đến.
Những vòng tròn trên lời mời và hình ảnh AR ẩn trong trang web Apple Event cũng liên tưởng đến Siri. Apple có thể đang phát triển phiên bản HomePod nhỏ gọn, giá cả phải chăng hơn và có tính năng điều khiển bằng trợ lý ảo này.