EVN sẽ phúc tra các khách hàng có hoá đơn tiền điện tăng đột biến
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố thêm số liệu về tình hình tiêu thụ điện cập nhật đến ngày 20/6.
Theo EVN, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 ngàn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
EVN dự kiến kỳ hóa đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020.
Theo số liệu thống kê mới đến ngày 20/6/2020 cho thấy, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020).
Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.
Đối với các trường hợp ghi sai chỉ số công tơ điện tại Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh… mà báo chí phản ánh, EVN đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm Giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề. Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hóa đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định.
Đề xuất 2 phương án lương tối thiểu vùng năm 2021
Sáng nay 23/6, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức phiên họp lần thứ nhất (họp kín) với sự tham gia của 15 thành viên do ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, chủ trì để bàn về phương hướng tiền lương tối thiểu năm 2021 và một số dự kiến hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Phương án 1: Khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức ương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021).
Phương án 2: Từ 1-7-2021 (lùi 6 tháng so với thông lệ các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (tính trên cơ sở CPI năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020).
Giá vàng, Giá vàng mới nhất hôm nay 23/6: Vọt lên đỉnh mới
Giá vàng thế giới giao ngay vượt ngưỡng 1.756 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York ở mức 1.769 USD/ounce.
Giá vàng, giá vàng mới nhất hôm nay, Giá vàng hôm nay cao hơn 36,9% (473 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 48,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 300 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng, giá vàng trong nước, giá vàng trong nước chốt phiên ngày 22/6 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 khoảng 200-300 ngàn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên áp cuối tuần trước.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (23/6), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng mua vào ở mức 48,7 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 49,05 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở hai chiều so với cuối phiên hôm qua. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua 350.000 đồng/lượng.
Trong khi đó tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC được điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, niêm yết ở mức 48,7 - 49 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Bitcoin đảo chiều, tăng như diều gặp gió
Bitcoin - tiền ảo hàng đầu và phổ biến nhất thế giới - đang biến động cực mạnh. Sau nhiều ngày giao dịch quanh mốc 9.200 – 9.300 USD, Bitcoin bất ngờ “hồi sinh” vượt qua ngưỡng 9.500 USD trong chớp nhoáng.
Theo đó, lúc 7h30 trên CoinDesk, giá Bitcoin đứng mức 9.666,5 USD. Trong 24 giờ gần nhất, tiền ảo này dao động trong khoảng 9.309 – 9.775 USD.
Dữ liệu từ CoinMarketCap cho thấy trong 24 giờ gần nhất, khối lượng Bitcoin giao dịch tăng vọt lên 21 tỷ USD, vốn hoá cũng được đẩy lên 177,4 tỷ USD.
Không chỉ Bitcoin, loạt tiền ảo hàng đầu khác cũng tăng trưởng chóng mặt. Ethereum tăng 5,7% lên 242 USD, giúp vốn hoá trở lại ngưỡng trên 27 tỷ USD sau nhiều ngày đình trệ tại khu vực 25 tỷ USD.
Tại Việt Nam, giá Bitcoin đang giao dịch mức 222 triệu đồng, tăng 3,4%. Nhiều tiền ảo khác cũng tăng mạnh.
Phiên 23/6: Khối ngoại bán ròng 140 tỷ đồng, VN-Index chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng điểm liên tiếp
Phiên giao dịch 23/6 khép lại với sắc đỏ hiện diện trên cả 3 chỉ số, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 3,08 điểm (0,35%) xuống 868,2 điểm; HNX-Index giảm 0,09% xuống 114,63 điểm và UPCom-Index giảm 0,07% xuống 56,64 điểm.
Giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi họ tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 140 tỷ đồng. Lực bán của khối ngoại tập trung vào các Bluechips như VNM (36,92 tỷ đồng), BID (17,67 tỷ đồng), HSG (15,94 tỷ đồng), HPG (13,98 tỷ đồng)…
Trên HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp với 4,76 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 126,46 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại bán ròng hơn 300 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 2,37 tỷ đồng. Trên UPCom, khối ngoại cũng bán ròng 11,54 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay.