Đã có 8 câu hỏi chất vấn của đại biểu dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, liên quan đến tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội (QH) sáng 4/6, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, bốn tư lệnh ngành sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này là bộ trưởng Bộ NN - PTNT, Bộ Công Thương, Bộ KH - CN và bộ trưởng Bộ GD - ĐT. Trong chất vấn lần này đã có sự đổi mới, yêu cầu các bộ trưởng không đi vào báo cáo thành tích của ngành. Bộ trưởng đọc báo cáo chỉ 5 phút, thời gian còn lại tập trung vào trả lời chất vấn trực tiếp. Báo cáo của Phó Thủ tướng cũng chỉ kéo dài trong khoảng 15 - 20 phút. Các phiên chất vấn diễn ra từ ngày 11/6 đến 13/6.
Tình hình biển Đông sẽ nóng trong phiên chất vấn Thủ tướng |
Đặc biệt ông Phúc cho biết, đã có 8 câu hỏi chất vấn của đại biểu dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, liên quan đến tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề liên quan đến Biển Đông. Cụ thể, ĐBQH quan tâm, đề cập đến việc Trung Quốc tôn tạo, bồi đắp các đảo đá trong thời gian qua.
Trước câu hỏi, một số ĐBQH kiến nghị, sau khi nghe Chính phủ báo cáo về biển Đông nên có thảo luận, sau đó QH ra thông điệp, hoặc thái độ dứt khoát, ông Phúc trả lời: vấn đề này hiện vẫn đang lắng nghe và chờ xem có ĐB nào có ý kiến như vậy không. Trên cơ sở đó mới xem xét đưa ra quyết định được. Việc thảo luận về biển Đông phải trên cơ sở nghe báo cáo, nếu thấy đầy đủ mà ĐB không có ý kiến gì thì thôi.
Cũng theo ông Phúc, ông rất mong Thủ tướng trả lời chất vấn kỳ này, nhưng trong thiết kế chương trình có quy định, Thủ tướng có thể ủy quyền cho Phó Thủ tướng trả lời chất vấn thay.
Về câu hỏi nhiệm kỳ QH khoá XIII sắp hết nhưng có các bộ trưởng chưa từng một lần đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước QH như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, mặc dù đây là những lĩnh vực cử tri đặc biệt quan tâm như vấn đề Biển Đông, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Một nguyên tắc rất quan trọng là khi quyết định chất vấn bộ trưởng nào đó là phải có đại biểu đặt câu hỏi chất vấn. Nếu không có câu hỏi chất vấn thì sẽ không có cơ sở để đưa bộ trưởng trả lời chất vấn được như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ngoại giao”.
H.M (tổng hợp)