Một số người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam cho rằng, việc công an TP HCM phát tờ rơi cảnh báo trộm cướp cho khách du lịch nước ngoài cho thấy họ đang cố gắng bài trừ tình trạng này và đây là một việc khá thú vị, đáng khích lệ.
Để chống các tệ nạn trên đường phố, mới đây, công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 TP.HCM đã tổ chức phát tờ rơi cảnh báo khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài phải tự bảo vệ tài sản cá nhân khi đi lại nơi công cộng.
Trao đổi với phóng viên, anh Jesse Peterson– một người Canada đang làm việc tại Hà Nội cho biết, khi đọc được thông tin cảnh sát TP HCM phát phát tờ rơi cảnh giác nạn cướp giật cho người nước ngoài tại Thành phố HCM, bản thân anh cảm thấy khá hài lòng vì cuối cùng, cảnh sát Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đang cố gắng làm một việc đáng khích lệ.
“Việc phát tờ rơi nhắc nhở du khách về nạn cướp giật, trộm cắp quả thật là ý tưởng rất hay, rất tốt...trên lý thuyết. Bốn năm trước, tôi sống ở TPHCM. Trong thời gian sống và làm việc ở đây, tôi đã bị mất 2 laptop, một số điện thoại. Tất nhiên, đó cũng là do lỗi của tôi quá bất cẩn. Tôi không bao giờ tìm lại được những đồ vật của mình, ngay cả khi cảnh sát đã ra tay. Điều đó cho thấy, lực lượng cảnh sát tại đây cũng “lao đao” khi đối phó với nạn trộm cắp, cướp giật. Vì thế, việc phát tờ rơi giúp người nước ngoài nâng cao cảnh giác khi mới đặt chân tới TPHCM, vẫn còn “lạ nước, lạ cái””, anh Jesse nói.
Anh Jesse Peterson. Ảnh nhân vật cung cấp.
Tuy nhiên, anh Jesse cũng cho rằng, bên cạnh mặt tích cực là giúp những người nước ngoài tới Việt Nam nâng cao cảnh giác đối với nạn trộm cướp, hạn chế được những tình huống xấu nhưng nó cũng khiến những người chưa tới hoặc định tới Việt Nam sẽ e ngại.
“Vấn đề vẫn khiến tôi băn khoăn ở chỗ “Liệu cách cảnh sát sở tại thực hiện có phù hợp không?”. Gỉa sử tôi mang những tờ rơi này về nước tôi, giống như bao du khách khác, thì người nước tôi sẽ nghĩ Việt Nam là một đất nước bất ổn, trộm cắp đầy rẫy.
Vì thế, theo tôi, giải pháp cho vấn đề này chính là: lực lượng công an cần bắt những kẻ có hành vi trộm cắp, cướp giật tích cực hơn nữa nhằm xóa bỏ tệ nạn này. Chứ không phải ngồi nghe những người nước ngoài bị mất cắp như tôi lên phường giải trình”, anh Jesse chia sẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Paul Bennet, quốc tịch Anh đang sống và làm việc tại Hà Nội lại cho rằng, cách làm của công an TP HCM khá thú vị. Nó giúp cho các du khách biết cần phải cận thận những gì khi tới đây.
“Tôi không nghĩ khi nhận được tờ rơi này người ta sẽ sợ TP.HCM vì ở đâu cũng có những điều đáng sợ. Nếu nói về móc túi thì tôi còn sợ London hơn. Tôi mới vào TP.HCM có 1 lần nên chưa ấn tượng nhiều với những điều này nhưng tôi thấy cách phát tờ rơi cảnh báo trộm cướp khá thú vị”, ông Paul nói.
Trích dẫn một số dòng trên tờ rơi bản tiếng Anh: Violent crime is very often in Ho Chi Minh City. Keep your bags close to your body, avoid wearing precious jewelry and try not to be too flashy with your camera and phone. (Tội phạm bạo lực rất hay xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Hãy giữ túi xách của bạn luôn bên người, không đeo các các đồ trang sức quý và cố gắng không để lộ liễu máy ảnh và điện thoại di động) Do not trust the taxi meter… (đừng tin vào đồng hồ trên xe taxi) Ripping off unsuspecting passengers is an art form for dishonest driver. Stisk to reliable companies such as Vinasun taxi and Mailinh taxi. ( Đây là hành động móc túi hành khách một cách trắng trợn của lái xe không trung thực. Hãy lựa chọn các hãng taxi đáng tin cậy như Vinasun và Mailinh). Nếu để ý kỹ trang phục, mũ bảo hiểm của hai tên cướp túi xách in ở góc trên bên phải tờ rơi, (nhất là mũ bảo hiểm) người ta không cho rằng đó là hình ảnh ngổ ngáo của bọn tội phạm, bạn đọc hãy tự đánh giá xem trông giống ai? |
Theo H.Minh - Bảo Linh/Người Đưa Tin