Tính đến hôm nay, cá chết bất thường ở biển các tỉnh miền Trung xảy ra đã gần một tháng và cơ quan chức năng vẫn đang làm rõ nguyên nhân chính xác của hiện tượng này.
Diễn biến cá chết hàng loạt ở biển miền Trung
Ngày 4/4/2016 phát hiện cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh. Theo thống kê sơ bộ, số lượng cá chết gom được khoảng 10-15 tấn.
Ngày 10/4, tại vùng biển Quảng Bình xuất hiện cá chết bất thường dần xuống cửa biển Nhật Lệ. Lượng cá chết thu gom được khoảng 25 tấn.
Ngày 19/4, khu vực cửa Việt, cửa Tùng Quảng Trị người dân cũng vớt được hàng tấn cá chết trôi dạt vào bờ. Đến ngày 21/4, theo báo cáo sơ bộ của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh này, người dân ven biển đã thu gom được khoảng 30 tấn cá chết.
Cá chết dạt vào bờ biển Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tuổi trẻ |
Cùng ngày 19/4, hiện tượng cá chết cũng xuất hiện tại vùng biển Thừa Thiên Huế. Số lượng cá chết tại đây được thu gom ước tính khoảng 6.000 con.
Từ ngày 8/4, báo chí bắt đầu đưa tin về hiện tượng cá chết ở biển miền Trung, đầu tiên là hiện tượng này xảy ra tại vùng biển Hà Tĩnh, sau đến vùng biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Hành trình truy tìm nguyên nhân
Ngày 20/4: Bộ NN & PTNT ra công văn hỏa tốc chỉ đạo lấy mẫu giám sát tìm nguyên nhân và tác nhân làm thủy sản chết hàng loạt 1 cách bất thường.
Chiều 20/4, đại diện Bộ NN&PTNT chủ trì làm việc với các cơ quan chức năng Hà Tĩnh về việc cá lồng bè, cá tự nhiên chết tại vùng biển thị xã Kỳ Anh.
Ngày 22/4, Thanh niên và một số báo khác đưa tin: một số ngư dân đã tự trang bị phương tiện, lặn tìm và phát hiện một đường ống xả thải phun ra thứ nước vàng đục, hôi thối tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh). Một trong những người tham gia lặn xuống biển Vũng Áng truy tìm đường ống xả thải của KCN Formosa là anh Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, trú tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Cũng trong ngày 22/4, trước “Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, làm rõ các thông tin liên quan.
Chiều tối ngày 22/4, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã ký văn bản gửi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa về việc cử đoàn công tác vào làm việc với nội dung sẽ kiểm tra việc sản xuất và kiểm soát ô nhiễm của công ty này.
Trong văn bản, mặc dù không nói ra nghi vấn và lý do thanh tra, tuy nhiên, Bộ Công thương nêu rõ mục tiêu là “làm việc về tình hình sản xuất, bảo vệ môi trường”.
Ngày 24/4: Tại Hà Tĩnh, các bộ liên quan đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tại buổi làm việc, cơ quan chức năng đã loại trừ nguyên nhân cá chết do: dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm, động đất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát một vùng nuôi cá lồng bè của các hộ dân ở Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN |
Ngày 24/4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã thị sát hai xã Kỳ Hà, Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) - nơi xảy ra tình trạng cá, tôm chết hàng loạt thời gian qua.
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Nông nghiệp nêu quan điểm: "Độc tố làm cá chết có thể là sinh học, hóa học hay là một loại nào khác. Cũng không loại trừ khả năng có một số chất độc như cyanua". Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cam kết cử các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực môi trường kiểm tra các mẫu nguồn nước biển và trong vòng 3-5 ngày tới sẽ có kết luận chính thức vụ việc.
Bày tỏ lo ngại trước những loại độc tố có thể khiến cá chết, Phó thủ tướng yêu cầu cần tìm hiểu rõ xuất xứ từ đâu. "Nếu thấy mình chưa đủ khả năng để kết luận thì hãy hợp tác với quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế có đầy đủ thiết bị, có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ để tìm nguyên nhân cá chết", ông nhấn mạnh.
Ngày 25/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các biển miền Trung; báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.
Bộ Tài Nguyên Môi trường họp báo công bố nguyên nhân cá chết
Ngày 27/4: chủ trì buổi họp báo diễn ra vào lúc 20h, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt:
Một là do tác động của độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Hai là do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà trên thế giới gọi là thủy triều đỏ.
Tại buổi họp báo này, Thứ trưởng Nhân cũng cho hay: "Chưa có bằng chứng kết luận mối liên hệ của Formosa đến cá chết hàng loạt. Số liệu quan trắc cho thấy các thông số môi trường chưa vượt chuẩn quy định".
Các chuyên gia phản ứng với kết luận cá chết do tảo nở hoa
Ngày 28/4: Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên - môi trường, xung quanh nguyên nhân cá chết vừa qua.
Trong văn bản kiến nghị, theo Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam, các dấu hiệu của vụ cá chết vừa qua không thấy liên quan đến tảo nở hoa, do không có các dấu hiệu đặc trưng như xác tảo giạt vào bờ gây ô nhiễm, tảo nở dày đặc gây đổi màu nước, cá chết tầng đáy chứ không phải tầng mặt như chết do tảo. Đồng thời cho rằng, đến thời điểm này nguyên nhân cá chết do độc chất là có cơ sở nhất.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường tiếp tục chỉ đạo làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt
Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà có buổi làm việc tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Tại buổi làm việc, bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt sẽ được làm rõ. Qua kiểm tra, các cơ quan chưa phát hiện được một bằng chứng gì về mối quan hệ giữa nước thải, chất thải với thảm họa về môi trường nhưng về gián tiếp thì có những vấn đề liên quan.
Trao đổi với báo chí sau buổi làm việc, Bộ trưởng nói: “Các bộ ngành cơ quan mặc dù có những sự nỗ lực nhưng việc điều phối, triển khai xử lý sự cố, thảm họa lớn thế này là chưa có kinh nghiệm, lúng túng, việc xử lý còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Với tư cách là bộ trưởng tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này”.
Ngày 30/4, báo Tuổi trẻ đăng tải bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường sau chuyến kiểm tra trực tiếp Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trong đó cho biết: "Bộ trưởng Trần Hồng Hà buộc Formosa đưa ống xả thải lên".
"Tôi nhìn ra vấn đề nếu để đường ống ngầm thì rất khó giám sát, rất khó kiểm tra. Vì vậy, trước mắt tôi đã chỉ đạo rõ, ngay tới đây Formosa phải đưa đường ống ngầm này lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát", lời Bộ trưởng Trần Hồng Hà theo đăng tải trên Tuổi trẻ.
Ngày 1/5: Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường) công kết quả quan trắc môi trường chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, khẳng định đều nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ được tổng hợp từ các Trung tâm Quan trắc môi trường đã thực hiện ngày 29-4 tại các bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh và so sánh với Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển để đánh giá cho thấy, nước biển ven bờ tại các khu vực được phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép.
Chiều 1/5, tại trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã làm việc với lãnh đạo các địa phương để tìm biện pháp khắc phục hiện tượng cá chết.
Tại buổi họp, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng phải tìm giải pháp sắp đến để người dân có thể ra khơi đánh bắt bình thường. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân gây thảm họa này.
“Dù bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào vi phạm pháp luật cũng phải làm rõ trên căn cứ khoa học, không ai bao che cả. Cần có kết luận cụ thể vì đây là nguyện vọng của nhân dân nhưng phải chặt chẽ, khoa học” , Tuổi trẻ dẫn lời Thủ tướng chỉ đạo.
Ngày 2/5, theo thông tin trên VietnamPlus, ông Lê Ngọc Châu – Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh đã chính thức xác định hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cyanide trong hải sản ở Hà Tĩnh đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Sáng 25/4, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ về việc từ khi nhà máy hoạt động thì vùng biển quanh đường ống xả ngầm ra biển không còn tôm cá hay sinh vật biển, ông Chu Xuân Phàm - trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội đã có những phát biểu “gây sốc”: "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, chọn đi!" Chiều 26-4, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo về việc công ty này xả nước thải ra biển và phát ngôn gây sốc của ông Phàm. Tại buổi họp báo, ông Trương Phục Ninh cho biết cuộc họp báo này thông báo ông Chu Xuân Phàm hoàn toàn không phải người phát ngôn. Ông Trương Phục Ninh thành thật xin lỗi Chính phủ Việt Nam, nhân dân Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh, về những phát biểu của ông Chu Xuân Phàm. Trước toàn thể phóng viên, ông Trương Phục Ninh yêu cầu toàn bộ cán bộ của công ty có mặt tại buổi họp báo cúi đầu xin lỗi trước những phát ngôn gây sốc của ông Chu Xuân Phàm. Sau lời ăn năn: “Tôi là Chu Xuân Phàm, tôi thành thật xin lỗi. Câu nói của tôi chưa được ủy quyền nhưng đã gây bức xúc cho người dân. Tôi thành thật xin lỗi”, ông Chu Xuân Phàm đã cúi đầu xin lỗi toàn thể mọi người tại buổi họp bảo. |
H.Minh (tổng hợp)