(Tinmoi.vn) Tăng tàu chiến, xây dựng nhiều công trình quân sự tại các đảo Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên... ở Trường Sa, lu loa tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc là những động thái leo thang căng thẳng ở biển Đông.
Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ ngày Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngoài giàn khoan, Trung Quốc còn mang theo hàng trăm tàu, trong đó có nhiều tàu quân sự và cả máy bay ra để bảo vệ giàn khoan trái phép.
Tại buổi họp báo do Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây (6/6) ông Trần Duy Hải (phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia) cho hay: Hơn 1 tháng qua, Việt Nam và Trung Quốc đã có trên 30 cuộc trao đổi. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao cách ứng xử của Việt Nam, phê phán hành vi của Trung Quốc. Bất chấp thiện chí của Việt Nam, trên thực địa Trung Quốc leo thang hành động, mở rộng, di chuyển giàn khoan ra vị trí mới. Trung Quốc cũng gia tăng tàu hộ tống, có lúc lên tới 140 tàu, gồm cả tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, tàu săn ngầm, tàu đổ bộ cùng máy bay chiến đấu... Đặc biệt, ngày 26/5 tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang đánh bắt bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách giàn khoan 17 hải lý. Nghiêm trọng hơn, các tàu Trung Quốc còn ngăn cản các tàu Việt Nam đến cứu hộ tàu cá bị đâm chìm.
Video: Điểm mặt tàu chiến Trung Quốc có mặt tại giàn khoan
Ngày 23/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam lần thứ hai có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một lần nữa yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống để hai bên tiến hành đàm phán xác định tính pháp lý của khu vực hạ đặt giàn khoan.
Ngày 4/6, lần thứ ba Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc với các nội dung tương tự. Nhưng Trung Quốc vẫn lảng tránh, không trả lời công hàm.
Ông Ngô Ngọc Thu (phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam) cho biết thêm: Tính từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan đến nay, tàu Trung Quốc làm hư hỏng 24 tàu của Việt Nam, trong đó có 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển. Đó là chưa kể họ dùng máy phát âm tần, đèn pha công suất cao chĩa vào tàu Việt Nam, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ Việt Nam.
Tình hình chưa có dấu hiệu lắng dịu thì mới đây, một số tờ báo nước ngoài lại đưa tin Trung Quốc đang gấp rút xây dựng giàn khoan Hải Dương 982 để tiếp tục đưa ra biển Đông, nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm biển Đông theo đường 9 đoạn của Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin này chưa được nhà chức trách Trung Quốc xác nhận. Cũng trong buổi họp báo Bộ Ngoại giao, ông Lê Hải Bình đã trả lời: “Việc Trung Quốc xây dựng thêm một hay nhiều giàn khoan không quan trọng, quan trọng là họ đưa nó ra đâu”.
Theo báo cáo hàng ngày của Cục Kiểm ngư gửi về từ hiện trường, các tàu của Trung Quốc ngoài thực địa liên tục thay đổi chiến thuật nhằm gây khó dễ cho lực lượng chấp pháp của ta đang thực thi nhiệm vụ trong vùng biển thuộc chủ quyền – quyền tài phán của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, tàu Trung Quốc còn dùng vật lạ ném sang tàu Việt Nam, chủ động đâm va, quẫy nhiễu tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong ngư trường truyền thống.
Thông tin ngày 9/6 ghi nhận được cho thấy thêm một sự leo thang của Trung Quốc khi tăng cường tàu chiến, trực bảo vệ đủ ba mặt quanh giàn khoan: đông, nam, tây. Với dã tâm chiếm biển và sự hung hăng sẵn sàng tấn công, họ lu loa rằng các tàu Việt Nam sẽ tấn công vào giàn khoan của họ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tuyên bố sẽ đưa tàu tiếp tế tải trọng 11.000 tấn đến biển Đông để phục vụ các tàu khác hoạt động lâu dài. Đây vừa là một động thái đe dọa Việt Nam, vừa là một đợt diễn tập thực tế.
Chuẩn Đô đốc Thiếu tướng Lê Kế Lâm – nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam. |
Báo Tuổi trẻ dẫn lời bình luận của Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: “Trước thái độ ‘trơ như đá’ này, tôi nghĩ Trung Quốc có thể sẽ còn động thái khác. Nhiều công trình quân sự cũng đang được Trung Quốc xây dựng tại các đảo Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên... ở Trường Sa phục vụ âm mưu chiếm trọn biển Đông lâu dài. Việt Nam nên gấp rút chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra để giữ được chủ quyền lãnh thổ”.
Thuận Phong