Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng việc tịch thu phương tiện sẽ đánh mạnh vào ý thức người dân để không vi phạm. Còn chuyên gia thì lo sợ tình trạng “quýt làm cam chịu”.
Mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đưa ra đề xuất kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm tịch thu bằng lái xe, tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô say xỉn, có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililít máu.
Đề xuất này nhanh chóng trở thành vấn đề nóng trong dư luận. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ cũng không ít quan điểm cho rằng đề xuất này quá nặng, vì phương tiện vẫn là một tài sản lớn của người dân. Và việc, liệu quy định này có xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người dân hay không.
“Lái xe say rượu như kẻ cầm dao chém loạn xạ trên phố”
Đó là cách nói ví von của ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khi nói về người say rượu, bia điều khiển xe tham gia giao thông.
Trao đổi với PV, ông Hùng cho biết, Trong quá trình xây dựng đề xuất, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ cơ sở pháp lý. Hiện nay, quy định về vấn đề sở hữu tài sản trong hiến pháp rất rõ, Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng quy định có thể tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm những hành vi uy hiếp an toàn xã hội cao. Đó cũng được xem là hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rất rõ thẩm quyền triển khai vấn đề tịch thu phương tiện như thế nào.
Trước tiên chúng ta cần xét đến mục tiêu đưa ra quy định xử phạt. Tất cả các hệ thống pháp luật trên thế giới cũng như các loại hình phạt từ hành chính đến hình sự, mục tiêu đầu tiên là để giáo dục, hay nói cách khác để gửi đến người dân một thông điệp về hậu quả đối với cá nhân họ khi thực hiện hành vi vi phạm. Việc đưa ra chế tài này cũng nhằm mục tiêu để người dân không vi phạm.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia.
Tuy nhiên nếu muốn người dân không vi phạm thì chế tài gửi đến họ phải đủ mạnh. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, với điều kiện kinh tế xã hội như hiện nay, tịch thu phương tiện có ảnh hưởng đến đời sống của người dân? Đây có phải hình thức xử phạt tài chính quá nặng không?...
Chúng ta phải nhấn mạnh một điều: Còn người là còn tất cả! Khi người ta quan tâm đến sức khỏe, sinh mạng của mình, người ta sẽ không thực hiện hành vi vi phạm. Bởi hành vi vi phạm này nguy cơ rất lớn xảy ra Tai nạn giao thông, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe (bị thương) và có thể ảnh hưởng tính mạng (tử vong). Quy định như thế này chính là chúng ta đang bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông.
Phương tiện là tài sản lớn, nhưng sinh mạng còn lớn hơn nhiều. Chẳng ai muốn tịch thu phương tiện của người dân. Nếu biết là tài sản lớn thì đừng vi phạm.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Quy định này chính là nhằm bảo vệ chúng ta. Vậy chế tài như thế nào là đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe? Ở các nước người ta còn áp dụng hình phạt tù, chẳng hạn như Nhật Bản, nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu trên 80 miligam/100 mililít – đi tù 5 năm, Hàn Quốc 50 miligam/100 mililít – tù 6 tháng, Mỹ 20 miligam/100 mililít – tù 10 ngày…
Tại sao các nước giảm được tai nạn giao thông? Tại sao người ta đưa ra chế tài mạnh để làm gì? Như tôi nói, chế tài mạnh không phải để phạt mà để ngăn chặn, răn đe. Nếu chúng ta chỉ quy định phạt thế nào cho phù hợp với túi tiền của người dân, hay phạt để người ta trả được thì chúng ta đang tự làm khó mình.”
Về việc xử lý phương tiện vi phạm, ông Hùng cho biết: Trong luật đã quy định rõ về trình tự thủ tục xử lý, tài sản phương tiện sau khi bị tịch thu sẽ đem ra đấu giá và đưa vào ngân sách nhà nước.
Theo dự kiến, nếu đề xuất được thông qua Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ thí điểm ở một vài địa phương, nếu có hiệu quả thì sẽ nhân rộng.
Tránh tình trạng “quýt làm cam chịu”
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật Giang Thanh) cho rằng quy định về tịch thu phương tiện đã có trong luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012.
Luật này nêu rõ: Người vi phạm hành chính có thể bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
“Trên thực tế, pháp luật đã có quy định tịch thu phương tiện đối với hành vi đua xe trái phép và nhiều trường hợp khác. Vậy làm sao có thể nói rằng đề xuất tịch thu ô tô của người vi phạm là trái luật?”, ông Thanh nói.
"Trường hợp người điều khiển phương tiện chưa hẳn đã là chủ sở hữu, vậy là sẽ xảy ra tình huống 'quýt làm mà cam chịu", Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh.
Tuy nhiên theo ông Thanh, vấn đề đặt ra là có cần thiết phải áp dụng biện pháp xử lý này, nhất là với người vi phạm lần đầu và chưa gây ra hậu quả gì chưa? Nếu phương tiện không phải thuộc quyền sở hữu của người lái xe, thì phải chăng là “quýt làm cam lại chịu”?
Do vậy, luật sư Thanh cho rằng ý tưởng rất đáng hoan nghênh song cần phải cân nhắc bởi tính chất nguy hiểm cho xã hội của một anh lái xe say xỉn không lớn bằng hành vi đua xe trái phép và nhiều trường hợp khác.
“Ô tô lại là tài sản có giá trị lớn. Nếu chỉ vi phạm lần đầu, chưa gây hậu quả gì mà lại bị tịch thu phương tiện thì e rằng người bị xử lý sẽ phản ứng gay gắt. Dư luận cũng sẽ không đồng tình”, ông Thanh nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện chưa hẳn đã là chủ sở hữu, vậy là sẽ xảy ra tình huống “quýt làm mà cam chịu” rất khó chấp nhận.
Do vậy, ông Thanh kiến nghị đối với các trường hợp lái xe có nồng độ cồn quá cao, trường hợp là chủ sở hữu xe thì ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe cần yêu cầu họ ký cam kết trong thời hạn bao nhiêu lâu không được tái phạm. Nếu không chấp hành sẽ áp dụng hình phạt tịch thu phương tiện.
Còn nếu người điều khiển không phải là chủ sở hữu, yêu cầu chủ sở hữu phải cam kết quản lý phương tiện của mình. Nếu đến lần thứ hai, thứ ba mà phương tiện đó vẫn tái phạm thì bị tịch thu.
Thuận Phong