“Tranh nhau” chứng minh công nghệ tốt
Ngày 16/5, Hà Nội cho thí điểm một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano của Nhật Bản do công ty THNHH Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) làm chủ dự án, dự án này hứa hẹn, sau 3 ngày sẽ hết mùi hôi thối, sau 2 tháng lượng bùn sẽ giảm. Tuy nhiên ngày 17/7, dự án phải thông báo lùi công bố kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch do sự cố xả 1 triệu m3 nước hồ Tây.
Ngày 8/8, để chứng minh hiệu quả thiết thực của công nghệ Nano cho dòng sông Tô Lịch, chuyên gia Nhật Bản đã tắm trực tiếp ngay trong khu trình diễn xử lý nước thải tại đây. Người dân Thủ đô được tận mắt chứng kiến sự thay đổi của dòng sông vốn được mệnh danh là "sông chết", nhìn chuyên gia Nhật thích thú bơi lội, rửa mặt bằng nước sông sau khi xử lý.
Dự án này ngay từ khi khởi động đã thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận cũng như các cơ quan truyền thông. Và dường như, có một hiệu ứng về việc làm sạch sông Tô Lịch đã diễn ra sau dự án này.
Không lâu sau, Hà Nội cho lắp đặt thí nghiệm Redoxy 3C của Đức tại một đoạn sông Tô Lịch đoạn cầu Khương Đình. Được biết công nghệ này được Thành phố sử dụng xử lý ao tù và đã thành công, tuy nhiên việc xử lý ở sông thì vẫn là dấu hỏi lớn.
Tiếp đến, chiều 13/8, trong buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Hà Nội tổ chức, ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc công ty TNHH Thoát nước Hà Nội đã đề xuất xây dựng trạm bơm với công suất 156.000m3/h để dẫn nước sông Hồng vào làm sạch sông Tô Lịch với dự toán kinh phí khoảng 150 tỷ đồng.
Được biết đây cũng không phải lần đầu tiên đề xuất này được đưa ra. Trước đó, tháng 12/2018, công ty này cũng đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch. Để thực hiện kế hoạch, công ty thậm chí đã huy động công nhân xuống nạo vét lòng sông Tô Lịch để khơi thông lòng chảy trước khi triển khai. Tuy nhiên vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nên không thực hiện được.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, đại diện công ty Thoát nước Hà Nội cho hay: "Chúng tôi đã đề xuất và nếu được thành phố chấp thuận, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống trạm bơm dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây, khi Hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ qua hai cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT công ty Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE), chủ dự án công nghệ Nano cho biết, việc đề xuất của công ty Thoát nước chúng tôi không ý kiến cũng như không can dự.
Đánh giá về 2 công nghệ trên, ông Võ Tiến Hùng nhận định: “Đối với chế phẩm Redoxy 3C kết quả mang lại rất tốt, còn công nghệ Nano thì vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nên chúng tôi chưa có đánh giá gì thêm”.
Như vậy, nếu đề xuất của ông Hùng được chấp thuận, thì trên sông Tô Lịch sẽ có 3 giải pháp tạm thời "cạnh tranh" với nhau để được "bao thầu" xử lý toàn bộ sông Tô Lịch.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong khoảng 5 năm trở lại đây chưa có một giải pháp nào từ các chủ dự án, các nhà khoa học được chấp thuận để xử lý ô nhiễm của sông Tô Lịch. Chính vì thế, hiện nay khi mà một lúc có đến 3 dự án quả là một điều khó hiểu.
Thành phố Hà Nội phải sáng suốt trong việc lựa chọn phương án tối ưu nhất giúp hồi sinh dòng sông Tô Lịch như xưa. Để có thể so sánh được với sông Thames của Anh.
Câu chuyện vẫn là... xử lý nguồn thải
Liên quan đến vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, phóng viên báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Thanh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường đô thị, kiêm Trưởng bộ môn Thoát nước (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết, theo tôi đánh giá, việc xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Nhật Bản không mấy khả thi, giải pháp duy nhất chính là thực hiện đúng quy hoạch thoát nước của Hà Nội từ những năm 1990 mà chính do Nhật Bản giúp Việt Nam thực hiện từ nguồn vốn ODA, mà bây giờ đã là giai đoạn 2 chính là xây dựng cống bao, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270m3/ ngày đêm.
“Việc xử lý ô nhiễm với 300m đường sông Tô Lịch thì tôi nghĩ công nghệ nào cũng sẽ xử lý sạch và trong thôi. Để xử lý nước sạch, các chuyên gia Việt Nam cũng đã có rất nhiều và kết quả cũng tương tự như công nghệ Nano”, ông Trần Thanh Sơn nhấn mạnh.
Vị PGS.TS. cũng cho biết thêm: “Về mặt kinh tế không hợp lý. Vì mặc dù việc sục khí của các máy Nano này có hiệu quả bằng hoặc hơn các công nghệ sục khí hiện nay nhưng trong quá trình xử lý sẽ sinh ra bùn và cát, cứ tính 1 kilogam BOD nhân với 1500m3/ngày đêm, mỗi 1m3 khoảng 150kg, 0,2 kg/1m3 sẽ tính ra được, cứ 1kg BOD sẽ sinh ra 0,5mg bùn. Để cấp oxy đốt bùn thì sẽ tốn rất nhiều lần”.
Hầu hết, những chuyên gia Việt Nam, những nhà khoa học, hay cả như những người có nhiều năm nghiên cứu về sông Tô Lịch như PGS.TS. Hà Đình Đức cho rằng: "Trước hết muốn làm sạch sông Tô Lịch phải thu gom nguồn thải, có nghĩa là bịt các cống nước đang chảy ra sông, sau đó thau rửa bằng nước sông Hồng, như thế mới hiệu quả lâu dài được".
Hay như ông Hoàng Đăng Khoa (SN 1959, trú tại phường Yên Hoà, trước kia là Làng Cót) người có nhiều năm nghiên cứu về sông Tô Lịch, cũng như từ bé đã gắn bó, chứng kiến sự thay đổi của dòng sông Tô này cũng phải xót xa thốt lên rằng: "Biện pháp hiệu quả nhất là xử lý được nguồn thải rồi cấp nước từ sông Hồng vào thì sông Tô sẽ được cứu".
Về thông tin này, Tổng giám đốc công ty Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết thêm: “Thành phố cũng đang thực hiện dự án tách nước thải, không để nước thải chảy vào sông Tô Lịch mà gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngày/đêm, dự kiến 4 năm nữa dự án tách nước thải sẽ hoàn thành”.
Việc sử dụng nhiều thí điểm cùng một lúc đang cho thấy Hà Nội quyết tâm có thể làm sạch sông Tô Lịch trong thời gian tới. Điều quan trọng là làm sao có thể chọn được giải pháp hiệu quả, với chi phí hợp lý, thì đây là điều mà không chỉ các cơ quan chức năng mà còn cả người dân mong chờ.