Triều cường đạt đỉnh vượt mức báo động 3 vào chiều tối 8/11 khiến hàng loạt tuyến phố ở TP. HCM chìm trong bể nước. Người dân lại chật vật, lội qua dòng nước để về nhà.
Báo Lao Động đưa tin, khoảng 17h 30′ chiều 8/11, nhiều tuyến đường ở TP. HCM ngập nước do triều cường đạt đỉnh, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Đường Nguyễn Văn Hưởng ngập nặng do triều cường. (Ảnh: Lao Động) |
Một số tuyến đường ở phường Thảo Điền (quận 2) như Nguyễn Văn Hưởng, đường 41, 66 bị ngập ngập sâu.
Đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) đang được nâng cấp chống ngập. Tuy nhiên, một số nơi vẫn ngập cục bộ vì triều cường vượt mức.
Lúc 16h, đoạn qua phường Phú Thuận bị ngập khoảng 30-50 cm. Nhiều phụ huynh ngán ngại khi đưa con về tại thời điểm này.
Do đường đang thi công nên mặt đường gồ ghề, nhiều ổ gà, một số xe máy bị “sụp bẫy”, ngã nhào.
Tương tự, đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) nước từ rạch Long Kiểng dâng cao theo đường cống trào lên mặt đường. Chỉ sau 15 phút triều cường lên, con đường Lê Văn Lương đã bắt đầu biến thành sông, gây khó khăn, nhiều xe bị chết máy phải dắt bộ, giao thông qua khu vực hỗn loạn.
Triều cường cũng khiến khu bờ kè Thanh Đa (phường 25, quận Bình Thạnh) cũng chìm trong biển nước.
Nhiều tuyến đương đang thi công khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Vietnamnet) |
Theo Tri thức trực tuyến, lúc 17h 45, đã có những đoạn đường nước ngập sâu gần lút bánh xe máy. Người dân điều khiển phương tiện đi lại khó khăn. Nhiều hộ dân có nhà ven kênh bị nước tràn vào nhà, phải lội nước bì bõm sinh hoạt. Đến 19h, nước mới có dấu hiệu rút dần.
“Mấy ngày qua đoạn này ngập suốt. Tôi buôn bán cả ngày, nhưng chẳng có mấy ai ghé mua vì… ngập quá” – bà Xuân, 47 tuổi bán bánh giò trên đường Huỳnh Tấn Phát nói. |
“Ngập vào lúc chiều tối thì phải sinh hoạt trên nước ngập chứ đâu thể chờ nước rút được”, anh Đinh Văn Mạnh nói. (Ảnh: Zing) |
Anh Đinh Văn Mạnh, một người dân sinh sống ở khu vực này cho biết: “Mỗi lần triều cường dâng lên và rút nước cũng hơn 5 giờ. Ngập vào lúc chiều tối thì phải sinh hoạt trên nước ngập chứ đâu thể chờ nước rút được”.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong ngày 8/11, đạt đỉnh ở mức 1,65 m tại trạm Phú An và 1,64 m tại trạm Nhà Bè (vượt báo động 3 từ 14-15 cm). Mức đỉnh triều cao trên báo động 3 còn duy trì đến ngày 9/11.
Trang Vũ (Tổng hợp)