Tính đến 9h00 sáng 4/12, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là 65.515.914, số ca tử vong là 1.511.101. Mỹ, Ấn Độ, Brazil vẫn đang là những vùng dịch lớn nhất thế giới. Châu Âu cũng đang lao đao đối mặt với làn sóng tiếp theo.
Tròn 1 năm ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính. Những hướng dẫn trong này dựa trên kinh nghiệm có được từ việc ứng phó dịch tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng và các địa phương khác. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan, địa phương thực hiện nhằm ứng phó với dịch trong thời gian tới.
Theo đó, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, việc truy vết tiếp xúc với các ca bệnh phải thần tốc, triệt để, không được để xót người tiếp xúc. Virus lây từ người sang người, thời gian ủ bệnh khoảng 14 ngày. Người nhiễm bệnh có các triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, đau họng, người mệt mỏi, đau người, giảm hoặc mất vị giác và khứu giác, khó thở, viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, mạn tính, người cao tuổi. Tuy nhiên, khoảng 40% những người nhiễm virus SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng và đây có thể là nguồn lây bệnh trong cộng đồng.
Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin Covid-19 được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Do đó, việc giám sát, truy vết và khoanh vùng, cách ly nguồn lây sớm vẫn là biện pháp phòng chống dịch chủ yếu.
Các nguyên tắc truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19:
1- Tiến hành truy vết càng sớm càng tốt, ngay khi có thông tin ca bệnh.
2- Xác định các “mốc dịch tễ” trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc.
3- Sử dụng đồng thời nhiều lực lượng truy vết để tiến hành truy vết thật nhanh theo các “mốc dịch tễ” phát hiện được.
4- Áp dụng nhiều biện pháp truy vết; các biện pháp có thể thu thập được các thông tin trùng lặp nhau nhưng bổ sung cho nhau, giúp truy vết người tiếp xúc một cách đầy đủ và có hệ thống.
5- Đầu tư nguồn lực và thời gian để hoàn thành truy vết F1 trước trong thời gian sớm nhất; việc truy vết F2 thực hiện sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1.
6- Các “mốc dịch tễ” và người tiếp xúc gần F1 cần được truy vết trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế.
7- Người tham gia truy vết khi thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
5 bước truy vết F1 được nêu trong sổ tay:
Bước 1: Xác định các “mốc dịch tễ"
Bước 2: Thông báo các “mốc dịch tễ" cho bộ phận điều phối truy vết (bộ phận điều phối)
Bước 3: Triển khai truy vết F1
Bước 4: Rà soát và hoàn thiện danh sách F1
Bước 5: Tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm
Cách truy vết F2:
1- Phát Biểu mẫu tự cung cấp thông tin về F2 cho người F1 tự khai báo.
2- Cơ sở cách ly tập trung, chính quyền địa phương và y tế cơ sở tiếp tục điều tra truy vết F2 tại cộng đồng cũng như hỏi khai thác F2 từ người F1 tại cơ sở cách ly tập trung.
3- Chuyển danh sách F2 truy vết được cho địa phương để tổ chức cách ly y tế tại nhà theo quy định.