15h ngày 17/8, bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức buổi họp báo để giải quyết những bất cập tại trạm thu phí Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo. |
16h30' PV: Vì sao dự án có 7 cây cầu nhưng khi hoàn thiện chỉ có 5 cây cầu?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Lúc đầu dự án duyệt có 7 cầu, sau đó có 2 cầu là cầu bản đã được chuyển đổi thành cống và thanh toán trên cơ sở khối lượng công trình, vấn đề ở đây là phải đảm bảo thoát nước. Còn việc giảm được bao nhiêu kinh phí sau khi 2 cầu thành cống, Bộ sẽ có con số cụ thể.
16h28’: PV đặt câu hỏi về việc tài xế tiếp tục dùng tiền lẻ để đi qua trạm thu phí Cai Lậy, Bộ xử lý thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Nếu người dân tiếp tục trả tiền lẻ, UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng để xử lý. Việc xử lý như thế nào sẽ tùy vào diễn biến xảy ra ở trạm BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, biện pháp lâu dài sẽ hướng các trạm BOT trên cả nước và trạm BOT Cai Lậy sử dụng thu phí điện tử giống như trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
16h27' PV: Cá nhân ông đã từng đi trên tuyến đường này chưa và có phải bỏ tiền ra cho trạm thu phí này không? Ông có cảm thấy xót tiền không?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Tôi theo dõi vùng trong này và cũng đi qua khu vực này. Khi đi qua đó, tôi vẫn phải trả phí. Chính tôi cũng chỉ đạo dự án này và sau đó bàn giao. Phải so sánh để xem mức phí ấy có cao hay không và có xót tiền không?
Chúng tôi đang kiến nghị đưa thu phí điện tử vào, điều này rất thuận lợi cho đầu ra.
16h25’ PV: Bộ GTVT đã giảm phí tại trạm Cai Lậy nhưng tài xế vẫn phản đối vị trí đặt trạm?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Phạm vi đặt trạm là trên phạm vi của một dự án, còn những phần kiến nghị gì đó, chúng tôi sẽ xử lý. Nếu chúng ta đặt vấn đề di chuyển trạm đi đâu, di chuyển hết thì Nhà nước không có tiền để mua vì ngân sách không đủ.
Làm tới đâu chịu trách nhiệm tới đó
16h20’ PV: Thứ trưởng có chia sẻ gì về vấn đề thay thế nhà đầu tư?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Theo quy định của pháp luật là không cung cấp vấn đề này, còn chuyện mua lại cổ phần của các doanh nghiệp là rất bình thường.
16h17' PV: Trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không có nội dung tăng cường mặt đường, tại sao bộ GTVT lại đưa nội dung này vào?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Phạm vi cụ thể là tên gọi chung còn nhiều dự án chúng ta báo cáo chủ trương chung. Cơ quan nào làm tới đâu phải chịu trách nhiệm tới đó. Đó là nguyên tắc.
Quỹ bảo trì đường bộ chỉ dùng để chắp vá đường
15h40’ PV: Cách đây 1 năm, Bộ trưởng bộ GTVT có nói các BOT phải quyết toán xong mới cho thu phí nhưng BOT Lai Cậy chưa quyết toán xong đã cho thu phí? Ông giải thích như thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Ngọc Đông: Thực tế, nguyên nhân xuất phát từ nguồn ngân sách thiếu. Chúng tôi lo ngại trong tương lai, khả năng đầu tư, cải tạo rất khó khăn nên vẫn cải tạo nâng cấp trên đường hiện hữu để nâng cao khả năng khai thác. Đây cũng là 1 giải pháp. Tất nhiên, giải pháp này đã áp dụng, nhưng là chủ trương chung và giờ chúng tôi đề nghị làm cái mới, là giai đoạn chúng ta thiếu vốn và chắc chắn sẽ có tác động nhất định.
Ngân sách hạn chế nên sẽ có khó khăn. Hiện tại xu hướng là xây dựng những tuyến hiện đại như cao tốc.
15h30’: Trước câu hỏi của PV về việc tại sao không sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để làm đường, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: “Quỹ bảo trì đường bộ, theo đúng nghĩa chỉ dùng để chắp vá, láng, sửa chữa mặt đường chứ không thể dùng để nâng cấp cải tạo lại được vì quỹ bảo trì không đủ kinh phí để làm đường mới.
Theo luật đầu tư, Nghị định 18 của Chính Phủ đều có mục cải tạo nâng cấp hiện đại hoá những cái hiện có. Đối với dự án này, là nâng cấp cải tạo QL1, nâng cấp cải tạo các cầu trên QL1 vì phải nâng tải trọng của cầu lên thì mới đảm bảo được yêu cầu c
15h20: Trước câu hỏi của phóng viên về vị trí đặt trạm thu phí Cai Lậy và căn cứ nào mà lái xe phản ứng, việc đặt như thế có sai phạm không, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Việc đặt trạm thu phí như thế có cả quá trình chuẩn bị rất lâu.
Trước kia, có những dự án xuất phát từ vốn Nhà nước và có đặt trạm thu phí để thu phí, sau đó thả mỏng. Từ khi đưa dự án BOT vào hoạt động với mục tiêu huy động vốn nên đặt trạm để thu hồi vốn.
Đây là trạm đặt trên mục tiêu dự án. Bất kỳ việc đặt trạm thu phí nào đều theo Nghị định 18 về Bảo trì đường bộ. Do đó, Chính phủ chỉ đạo rà soát và sắp xếp lại cho phù hợp.
Chúng tôi cho rằng, việc đặt trạm thu phí Cai Lậy là căn cứ vào phương án tài chính, nằm trên phạm vi dự án. Cũng như các trạm thu phí khác, quá trình làm từ khi lập dự án, phê duyệt… đều lấy ý kiến của các cơ quan chức năng từ địa phương đến bộ Tài chính, đoàn Đại biểu Quốc hội.
Chúng tôi khẳng định, trạm thu phí Cai Lậy nằm trong phạm vi dự án, căn cứ vào phạm vi tài chính để hoàn vốn. Mục tiêu tối cao làm BOT là phải hài hòa lợi ích và có đường tốt hơn để đi.
15h: Mở đầu họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bộ GTVT đã trao đổi với các cơ quan báo chí và cử nhiều đoàn xuống địa bàn làm việc với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh, nhà đầu tư. Địa phương có báo cáo lên Bộ về kiến nghị những vấn đề việc đưa vào thu giá dịch vụ của dự án đi qua đường tránh.
Báo Người Đưa Tin cập nhật trực tiếp buổi họp báo của bộ GTVT. Cuộc họp báo nhằm giải quyết những bất cập tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình QL1 đoạn tránh TX.Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560+ Km2014, theo hình thức BOT.
Trước đó, nhiều lái xe đã dùng tiền lẻ trả phí khi đi qua trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) để phản đối với lý do chủ đầu tư đặt trạm BOT trên đường Quốc lộ 1 thu phí không hợp lý, phí thu tại trạm BOT này quá cao. Thậm chí, nhiều người còn mang heo quay ra “cúng trạm” và đập heo đất để lấy tiền trả phí, trạm BOT đã phải 4 lần xả trạm để tránh tắc đường.
Thế Anh - Nguyễn Huệ