Theo các chuyên gia, hiện tượng El Nino phát triển mạnh là nguyên nhân chính khiến hạn hán, nhiễm mặn ở ĐBSCL đang ở mức kỷ lục. Bên cạnh đó, việc một số nước ở thượng nguồn, trong đó có Trung Quốc xây đập tràn lan góp phần làm cho hạn hán, xâm mặn trầm trọng hơn.
Như tin tức đã phản ánh, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang xảy ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm nay. Hầu hết các cửa sông mặn đã xâm nhập sâu 50-70km. 9/13 tỉnh, thành phố với khoảng 40% diện tích ĐBSCL bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, gần 200.000 ha lúa vụ Đông Xuân và vườn cây ăn trái bị thiệt hại, 155.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt tại tỉnh Bến Tre, có 160/164 xã, phường trên địa bàn, 70% diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Hạn, mặn ở ĐBSCL đang ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử 100 năm qua. Ảnh: Vietnamnet |
Trong khi đó, theo dự báo của cơ quan chức năng, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt ở ĐBSCL trong thời gian tới, nhất là trong tháng 3 và 4, thậm chí có thể kéo dài tới tháng 6/2016.
Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho rằng, ĐBSCL đang phải đối mặt với đợt hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất từ trước tới nay do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể, năm 2015 El Nino phát triển mạnh và kéo dài trong khi đó mùa mưa lại kết thúc sớm khiến tổng lượng mưa thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Những tháng đầu năm 2016, lượng dòng chảy về sông Cửu Long giảm mạnh.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ. Ảnh: Vietnamnet |
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc và một số nước ở thượng nguồn xây nhiều đập cũng tác động lớn đến lưu lượng nước ở hạ lưu.
“Việc các nước ở thượng lưu xây hồ đập ảnh hưởng rất nhiều đến lưu lượng nước ở hạ lưu vì nguyên tắc khi xây hồ là trữ nước mùa lũ, đến mùa cạn sẽ sử dụng nước đó để xả xuống hạ lưu. Tuy nhiên, khi gần cạn kiệt, bản thân những hồ đấy giữ nước về mùa khô để phát điện thì nó tác động rất lớn đến hạ lưu. Không chỉ các đập ở Trung Quốc mà tất cả các đập ở thượng lưu đều tác động hết. Tác động lớn hay nhỏ là do vận hành. Sau này vùng thượng lưu làm càng nhiều đập bao nhiêu thì càng nguy hiểm bấy nhiêu”, tiến sĩ Tứ phân tích.
Đề cập đến giải pháp, ông Tứ cho rằng, hiện nay các tỉnh cũng đã đưa ra một số biện pháp rõ ràng như xây đập tạm, nhưng làm thế này cũng mất rất nhiều tiền. Theo đó, lãnh đạo địa phương cần cân nhắc, tính toán.
“Trong thiên tai vấn đề quan trọng cần giải quyết nhất là con người, phải đảm bảo nước uống, cơm ăn để người dân không bị đói. Theo đó, khi đưa ra các giải pháp, nhà quản lý cần phải tính toán, nếu kinh phí nhiều quá thì lấy tiền đó mua gạo, nước cho người dân ăn rồi mới tính các giải pháp khác”, ông Tứ nói.
Cũng theo ông Tứ, đây là một bài học và tính về lâu dài chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được.
“Hiện tượng này phần lớn là do thiên tai nhưng không như lũ lụt ào phát mà là từ trên xuống nên nếu chặn được các cửa sông thì hoàn toàn có thể cản được mặn. Chúng ta cần phải chủ động, tìm cách khắc phục, giảm nhẹ và đưa ra giải pháp với mọi kịch bản xấu nhất”, tiến sĩ Tứ nhấn mạnh.
Trước một số ý kiến lo ngại việc Trung Quốc xả đập cũng khó cứu được hạn ở ĐBSCL, ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình thủy lợi và An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi- Bộ NN-PTNT) khẳng định: không thể dựa vào dung lượng một hồ chứa Cảnh Hồng, vì trên đập thủy điện này còn có khoảng 6-7 nấc thủy điện nữa sẽ vận hành tiếp sức xuống. |
H.Minh