Đề cập tới nội dung biển đảo sẽ được đưa vào sách giáo khoa mới, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, nội dung mới cần phải bao hàm nguồn gốc biển đảo Việt Nam và quá trình gìn giữ chủ quyền biển đảo trong các thời kỳ lịch sử.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới nội dung giáo dục về biển đảo Việt Nam, trong đó có chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mục đích nhằm giáo dục đạo đức, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho học sinh nói riêng và người dân nói chung.
Chia sẻ về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng rất sát sao. Sách giáo khoa mới nhất thiết phải đề cập được nguồn gốc lịch sử của biển đảo Việt Nam nói chung qua các thời kỳ, những sự kiện quan trọng gắn với quá trình xác lập, gìn giữ và khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước từ xưa cho tới nay.
Ông Thước nhấn mạnh, nội dung biển đảo phải nêu rõ được vấn đề là đất nước chúng ta nắm giữ chủ quyền các quần đảo từ thời kỳ nào trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trải qua các chặng đường lịch sử, quá trình bảo vệ chủ quyền biển đảo đã xảy ra những sự kiện quan trọng nào; xảy ra các trận đánh nào. Và trong các trận đánh đó, cần chỉ rõ thế lực xâm lăng vùng biển, diễn biến của các cuộc giao tranh và quân dân ta quyết chiến ra sao...
"Cần đưa vào sách mới các vấn đề của toàn bộ biển đảo thuộc chủ quyền đất nước chứ không riêng gì 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, cũng cần bổ sung các nội dung mang tính thời sự liên quan đến tình hình biển đảo của Tổ quốc xảy ra trong thời gian gần đây", Tướng Thước cho biết.
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới nội dung giáo dục đầy đủ về Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Minh Thăng |
Trước đó, trao đổi trên VnExpress, GS. TS. NGND. Vũ Dương Ninh chia sẻ, trong việc chọn lọc các sự kiện lịch sử đưa vào sách mới cần dựa trên 5 nguyên tắc. Một là, viết đúng sự thật lịch sử đã xảy ra vào ngày tháng năm nào, có cuộc tấn công gì, diễn ra ra sao và hậu quả. Hai là, phải phân tích được tính chất của các cuộc đấu tranh ấy, cụ thể, đối với phía Việt Nam, đó là cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Ba là, phải nhấn mạnh được tinh thần chiến đấu hy sinh của quân dân Việt Nam, từ bối cảnh chung đến các nhân tố điển hình. Bốn là, cần giáo dục tinh thần cảnh giác cho học sinh vì cuộc chiến bảo vệ toàn vẹn lãnh hải của tổ quốc chưa kết thúc, cần cảnh giác, sẵn sàng chống lại hành động xấu, hành vi xâm lược của đối phương. Ngoài ra, cần nhấn mạnh truyền thống yêu nước, tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam trên quan điểm: bảo vệ độc lập dân tộc nhưng vẫn coi trọng mối quan hệ hữu hảo giữa các quốc gia.
GS. Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền đất nước bị xâm chiếm cần phải được đề cập rõ ràng, chi tiết trong sách giáo khoa. Ảnh: VTC |
Còn theo ý kiến của Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - GS.TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc, lịch sử khai phá, xác lập, thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được xem là một trong những trang sử bi hùng bậc nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng rõ ràng và đích thực về việc, từ đầu thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đầy đủ và trọn vẹn đối với 2 quần đảo này trong điều kiện hòa bình, không có tranh chấp.
Do đó, vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền đất nước bị xâm chiếm cần phải được đề cập rõ ràng, chi tiết trong sách giáo khoa. Điều này sẽ giúp không chỉ học sinh, nhân dân Việt Nam mà còn cả cộng đồng quốc tế hiểu rõ và hành xử theo đúng nguyên tắc về lãnh thổ của luật pháp quốc tế.
Vũ Đậu