Hiệu trưởng trường ĐH kinh doanh & công nghệ khẳng định việc xin cấp phép mở ngành Y trong trường không xuất phát từ động cơ kinh doanh.
Ngày 28/11, trường Trường đại học kinh doanh & công nghệ đã có buổi họp báo nhằm giải đáp những thắc mắc của dư luận về việc trường được phép thành lập ngành Y, Dược.
Theo GS Trần Phương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Tuy gọi là Đại học Kinh doanh và Công nghệ nhưng tên trường chỉ phản ánh những mặt và hoạt động chủ yếu, không phản ánh hoạt động toàn bộ nội dung đào tạo của trường. Trường sẽ hoạt động bất cứ ngành nào đất nước cần. Ngành y và dược đòi hỏi trình độ công nghệ cao nhất nên nói trường tôi ngoại đạo là sai”.
Cụ thể, ông Trần Phương cho biết, lý do đào tạo ngành bởi nước ta mới có 8 bác sĩ/vạn dân, trong khi các nước tiên Tiến Đạt 40 bác sĩ/vạn vân. Dược sĩ chỉ có 1,5 người/vạn dân. Điều đó cho thấy người Việt Nam được chăm lo đến sức khỏe quá ít. Ông Phương cũng khẳng định: “Mục tiêu mở trường là động cơ không có lợi ích kinh doanh”.
Giáo sư Trần Phương - Hiệu trưởng nhà trường giải đáp những thắc mắc |
Trước băn khoăn về việc tại sao Đại học Kinh doanh và Công nghệ được mở đào tạo ngành Y ông Trần Phương lý giải: “Tháng 6/2012, nhà trường đã đề nghị Bộ GD&ĐT mở ngành y dược nhưng cho đến tháng 12/2014, Bộ GD&ĐT mới có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với các ngành Dược học tại các trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành y, dược. Như vậy trường đặt vấn đề trước đó hơn 2 năm chứ không phải có quy định tạm dừng mới đề xuất”.
Hiện nay, nhà trường đã giới thiệu 47 cán bộ giảng dạy, tuy nhiên bộ y tế yêu cầu phải có từ 50 người có trình độ thạc sĩ trở lên, Giáo sư cũng khẳng định: “Chúng tôi xác nhận chưa đủ về số lượng người giảng dạy, tuy nhiên 50 người là sử dụng trong 6 năm. Chúng tôi đã mời 47 người rồi thì còn 3 người nữa có khó khăn gì đâu”.
Được biết, số điểm đầu vào dự kiến của khoa sẽ vào khoảng 20 điểm. Lãnh đạo khoa y dược bao gồm: GS.TSKH Lê Anh tuấn – Nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Chủ nhiệm khoa là PGS.TS Nguyễn Văn Tường – Nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội kiêm Phó Vụ trưởng Vụ khoa học đào tạo – Bộ Y tế; PGS.TS Phạm Vinh Quang – Nguyên Chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệh viện 103 – Học viện Quân y.
Hiện nay, về cơ sở vật chất, nhà trường đã chuẩn bị 28 phòng thực hành và mua trang thiết bị trong 2 năm. Ngoài ra, chỗ sinh viên thực tập đã ký hợp đồng với 4 bệnh viện, đối với ngành dược ký hợp đồng với 4 công ty dược.
Hạ Vân