Một hợp đồng ngầm đã được Trường ĐH Tài chính – Marketing ký với ĐH HELP Malaysia và Viện Nghiên cứu Tài chính ký với nhau mà bộ GD&ĐT không hề biết.
Và một điều đáng nói, hợp đồng ngầm này trái hoàn toàn với chỉ đạo của bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 17/4/2011, Trường ĐH Tài chính – Marketing và Trường ĐH HELP gửi công văn đề nghị bộ GD&ĐT xin phép được thực hiện chương trình liên kết đào tạo cấp bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Theo đó, ngày 31/8/2011, thứ trưởng bộ GD&ĐT có ban hành quyết định số 3899/QĐ-BGDĐT về việc cho phép Trường ĐH Tài chính – Marketing (Việt Nam) và Trường ĐH HELP (Malaysia) thực hiện chương trình liên kết đào tạo cấp bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Cũng theo quyết định này, Trường ĐH Tài chính – Marketing đại diện và trường ĐH HELP được chiêu sinh đào tạo với chỉ tiêu 40 học viên/khóa, do đội ngũ giảng viên có trình độ của hai trường đảm nhiệm và được đào tạo tại cơ sở của Trường ĐH Tài chính – Marketing với mức học phí là 9.900 USD/ học viên.
Để có được công văn xét đề nghị, trước đó vào ngày 11/4/2014, Trường ĐH Tài Chính – Marketing do PGS.TS Lương Minh Cừ (Nguyên quyền Hiệu trưởng) đại diện đã ký với Trường ĐH HELP do TS Paul Chan (Hiệu trưởng) đại diện hợp đồng mang số 84963-D, hợp đồng này hoàn theo đúng công văn gửi bộ và hoàn toàn khớp với quyết định đồng ý của bộ.
Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm đó, một hợp đồng 03 bên mang số 84964-D cũng đã được ngầm ký giữa Trường ĐH Tài chính – Marketing, Trường ĐH HELP và Viện Nghiên cứu Tài chính do ông Nguyễn Duy Gia đại diện (Viện này được đặt tại Học viện Hành chính Quốc Gia, 2/3, quận 10, TP.HCM).
Theo như họp đồng 03 bên này, toàn bộ những thỏa thuận là trái hoàn toàn với quyết định số 3899/QĐ-BGDĐT ký ngày 31/8/2011 của thứ trưởng Bùi Văn Ga như: học viên được đào tạo tại Học viện Hành chính Quốc Gia thay vì tại Trường ĐH Tài chính – Marketing, học phí do Viện Nghiên cứu Tài chính thu thay vì ĐH Tài chính – Marketing và chỉ chi lại cho trường 7,5%, đội ngũ giảng viên không phải của Trường ĐH Tài chính – Marketing và số lượng học viên theo học cao hơn so với chỉ tiêu mà bộ cho phép.
Quyết định số 3899/QĐ-BGDĐT
Quyết định này cho phép Trường ĐH Tài chính – Marketing (Việt Nam) và Trường ĐH HELP (Malaysia) thực hiện chương trình liên kết đào tạo cấp bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Quyết định số 3899/QĐ-BGDĐT
Như vậy, với khoảng 300 học viên đang theo học và học phí 9.900 USD/ học viên thì Viện Nghiên cứu Tài chính đã thu với số tiền khoảng 2,9 triệu USD tương đường 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trường ĐH Tài chính – Marketing chỉ nhận được số tiền khoảng 4,2 tỷ đồng.
Sự việc trên được ông Bùi Đức Tâm, Phó trưởng khoa Tài chính – Marketing của trường phát hiện ra. Ông Tâm cũng đã gửi nhiều thư đến ban giám hiệu và các cơ quan liên quan yêu cầu làm rõ, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ bất cứ đơn vị có trách nhiệm nào.
Ông Tâm cho biết, ông và một cán bộ khác trong trường đã tận mắt thấy và đọc được hai hợp đồng nói trên được lưu lại nhà trường, đặc biệt là hợp đồng ngầm giữa 3 bên và ông đã gửi thư đến nhiều lãnh đạo của bộ Tài chính yêu cầu kiểm tra.
“Tôi nhận thấy rằng, Trường ĐH Tài chính – Marketing đã vi phạm nghiêm trọng quyết định của bộ GD&ĐT trong một thời gian dài, tuy nhiên sự việc vẫn đang được diễn ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cũng như sự tin tưởng của bộ GD&ĐT, bộ Tài chính đối với nhà trường”, ông Tâm nói.
Như vậy, việc Trường ĐH Tài chính – Marketing khoán trắng chương trình đào tạo thạc sĩ cho Viện Nghiên cứu Kinh tế và thực hiện triển khai hoàn toàn sai và trái ngược với ý quyết định của bộ GD&ĐT và chỉ nhận 7,5% là gây tổn thất rất nhiều cho nhà trường cũng giảng viên nhà trường vì không được trực tiếp giảng dạy.
Cũng đã hơn 3 năm, kể từ ngày tuyển sinh và cũng đã qua hai đời hiệu trưởng là PGS.TS Hoàng Trần Hậu lên thay PGS.TS Lương Minh Cừ đã về hưu, tuy nhiên sự việc vẫn chưa bị phát hiện và vẫn đang diễn ra.
Hơn nữa, việc thu học phí bằng ngoại tệ lại do Viện Nghiên cứu Kinh tế, tức đơn vị tư nhân đứng ra phụ trách liệu rằng có vi phạm pháp luật về công tác quản lý tài chính và quản lý ngoại tệ của quốc gia.
Ngày 6/10/2014, chúng tôi đã liên lạc với PGS.TS Hoàng Trần Hậu để mong được giải đáp và làm rõ hơn về vấn đề này, liệu rằng thông tin dư luận và một số cán bộ nhân viên nhà trường nêu có đúng sự thật không, tuy nhiên ông Hậu vẫn chưa đồng ý trả lời.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Theo Hoàng Ngọc/Sức khỏe cộng đồng