Sau khi Thủ tướng chỉ thị giãn cách ly xã hội, Bộ Y tế vừa có công văn số 2234/BYT-MT gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc triển khai phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục.
Theo văn bản này, Bộ Y tế đề nghị đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung một số yêu cầu cụ thể trong văn bản hướng dẫn chi tiết gửi các tỉnh, thành phố về điều kiện đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường. Đó là tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đến trường và trở về nhà, trong thời gian ở trường.
Quá trình học tập ở trường, học sinh, sinh viên phải được bố trí chỗ ngồi đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5m.
Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tế từng phòng học, từng bàn học có thể bố trí mỗi học sinh ngồi một bàn hoặc hai học sinh ngồi một bàn hoặc ngồi so le... cho phù hợp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu trong các hoạt động chung của học sinh, giáo viên.
Thế nhưng, thực tế lại khiến các trường học không chỉ ở các thành phố lớn mà ở các tỉnh cũng khó thực hiện được quy định này.
Theo đó, Cà Mau, Thái Bình, Thanh Hóa là những địa phương đã cho học sinh trở lại trường từ đầu tuần, trong đó ưu tiên học sinh lớp 9 và khối THPT đi học trước. Ngày 23/4, thêm 4 địa phương là Hải Dương, Yên Bái, Gia Lai và Hải Phòng, học sinh cũng được đến lớp sau hơn 2 tháng nghỉ phòng dịch.
Ghi nhận của PV Lao Động cho biết các địa phương đều nỗ lực thực hiện tốt việc vệ sinh trường lớp, đảm bảo đủ dung dịch nước sát khuẩn tay cho học sinh theo các quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về các điều kiện để học sinh trở lại trường an toàn. Có điều, khó khăn nhất với các địa phương là thực hiện quy định giãn cách xã hội, đảm bảo học sinh ngồi cách nhau tối thiểu 1,5m.
Trao đổi với PV Lao Động, cô Nguyễn Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (Hải Phòng) cho biết iệc giãn cách lớp học là cần thiết, tuy nhiên lại chưa phù hợp thực tế. Vì diện tích các lớp học là cố định, việc bố trí khoảng cách 1,5m chỉ là tương đối. Chưa kể, giáo viên cùng tiết học phải giảng dạy ở 2 lớp, ngoài chất lượng tiết học ít nhiều bị ảnh hưởng thì việc này ảnh hưởng đến sức khỏe giáo viên. Việc giám sát trong thời gian nghỉ giữa tiết cũng không thể đạt hiệu quả do lực lượng giáo viên, nhân viên không đủ.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) cho biết: "Mục tiêu an toàn trên hết là đúng nhưng giải pháp quay lại trường đảm bảo khoảng cách ngồi 1,5m giữa các em tôi nghĩ rất khó nếu cả 3 khối lớp đồng loạt trở lại trường. Nếu chỉ lớp 12 đi học lại thì thực hiện được. Cụ thể, mỗi 1 lớp chia thành 3 lớp nhỏ vì trường tôi một lớp 12 khoảng 45-50 em/lớp. Khi ấy giáo viên dạy lớp 12 phải tăng gấp 3."
Ông Phạm Đăng Khoa - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết: "Quy định khoảng cách ngồi của học sinh từ 1,5-2m sẽ rất khó triển khai để thực hiện. Nếu thực hiện theo chỉ thị 15 nhiều lớp học đã quá 20 học sinh/lớp. Ngoài ra, số bàn ghế, lớp học đã cố định nên rất khó giãn cách theo khoảng cách đề xuất của Bộ GD-ĐT.
Việc chia đôi mỗi lớp để đảm bảo khoảng cách 1,5-2m là không khả thi vì cơ sở vật chất không đáp được và cũng không đủ giáo viên để giảng dạy. Việc cho nửa lớp nghỉ để luân phiên giảng dạy theo ngày chẵn lẻ cũng không khả thi vì việc dạy và học sẽ căng thẳng, nặng nề.".
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, hiệu trưởng một trường THPT ở nội thành Hà Nội cho rằng, Bộ GD-ĐT làm khó các trường. Nhà trường không nhận được sự hỗ trợ linh hoạt của Bộ trong vấn đề này. Một mặt, Bộ ra quy định phải kết thúc năm học chậm nhất vào ngày 15.7, giữ kỳ thi THPT vào tháng 8, bất kể dịch bệnh, hay HS có đi học được hay không. Mặt khác thì Bộ GD-ĐT tuyên bố đi học phải đảm bảo an toàn với những tiêu chí: không quá 20 HS/lớp; mỗi HS phải cách nhau tối thiểu 1,5 m… và “nếu không đảm bảo những quy định đó thì không cho HS trở lại trường”.
“Vậy chúng tôi phải làm thế nào với những lớp 40 - 50 HS, không có phòng học và GV để chia nhỏ nhưng vẫn phải hoàn thành chương trình vào thời gian Bộ quy định, HS vẫn phải thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH?”, vị hiệu trưởng này đặt câu hỏi.
Nói thêm trên báo Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sở này đang tính toán để đưa ra hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục, làm sao vừa đảm bảo an toàn cho HS nhưng cũng phải khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nhà trường trên địa bàn TP. Nguyên tắc là tất cả các trường sẽ không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và dừng tất cả các dịch vụ bán trú trong trường học; mỗi HS được bố trí ngồi giãn cách, không để 3 HS/bàn…
Riêng Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý khi phát biểu tại cuộc họp phòng chống dịch Covid-19 mới đây đã cho rằng các trường học trên địa bàn Hà Nội tập trung rất đông HS, nếu sắp xếp không quá 20 HS/lớp, nhiều trường học trên địa bàn TP phải tổ chức học 3 ca/ngày là không khả thi.
Theo ông Quý, Hà Nội đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng phương án đón HS trở lại trường học theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.