Trường hợp bệnh nhân cảm cúm thông thường, hay tai biến mạch máu não nằm trong viện lâu nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, hậu quả bệnh nhân có thể trở nặng hơn thậm chí tử vong.
TS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện là vấn đề khiến các cơ quan y tế "nhức đầu" bởi, nhiễm khuẩn nhất là vi khuẩn siêu kháng thuốc khiến quá trình cứu chữa bệnh nhân càng khó khăn hơn.
Có những loại siêu vi khuẩn kháng thuốc nào?
TS Cường cho biết, tình trạng đang là gánh nặng không chỉ ở Việt Nam mà ở cả thế giới. Để cho ra đời 1 kháng sinh mới các nhà khoa học phải mất 20 – 30 năm. Tuy nhiên thời gian xuất hiện của vi khuẩn kháng kháng sinh chỉ khoảng 3 – 5 năm.
Vi khuẩn kháng thuốc sinh ra đời do nhiều cơ chế từ sử dụng kháng sinh không đúng mục đích, lạm dụng, môi trường sống xung quanh.
TS Cường nhấn mạnh, hiện nay có nhiều loại vi khuẩn có tính kháng kháng sinh cao hay còn gọi là siêu vi khuẩn kháng kháng sinh. Siêu vi khuẩn không phải là vi rút mà là vi khuẩn siêu kháng tất cả các kháng sinh, đặc biệt nhóm vi khuẩn gram âm, vi khuẩn ecoli sinh ra men kháng phổ rộng tức là kháng beta lactama phổ rộng.
TS Đỗ Duy Cường
Những con vi khuẩn tụ cầu, vi khuẩn trực khuẩn mủ xanh và Acinetobacter gần đây có tính kháng kháng sinh rất cao.
Kể cả các nhóm kháng sinh mới ra đời như carbapenem được coi là kháng sinh rất mạnh, có tác dụng diệt vi khuẩn cao nhưng ở nước ta kháng sinh này đã bắt đầu bị kháng.
Nếu tình trạng này xảy ra, chúng ta sẽ không có thuốc chữa khi nhiễm vi khuẩn.
Những con vi khuẩn kháng thuốc này nằm ở đâu?
TS Cường cho biết, bệnh viện là nơi thường xảy ra kháng kháng sinh nhất. Người dân sống trong cộng đồng nhiễm trùng, kháng sinh thông thường có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, người bệnh mắc bệnh nhiễm trùng nào đó hoặc bị bệnh không nhiễm trùng khi nhập viện nhiễm phải vi khuẩn này sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng bệnh viện.
Khó nhất là những con vi khuẩn này quen thuốc ở bệnh viện và ngày càng trở nên nhờn kháng sinh. Một người bị cảm cúm thông thường, hay tai biến mạch máu não nằm trong viện lâu mà nhiễm những con vi khuẩn trên có thể khiến bệnh trở nặng hơn thậm chí tử vong.
Để xác định có nhiễm vi khuẩn này hay không, TS Cường cho biết những trường hợp phải nuôi cấy những bệnh phẩm từ đờm, dịch phế quản hay từ máu và nằm viện lâu ngày hầu như đều mắc các siêu vi khuẩn trên.
Khi nhiễm phải siêu vi khuẩn này, chi phí điều trị tăng cao, đắt đỏ, có thể mỗi ngày lên tới vài triệu tiền thuốc riêng kháng sinh, đó là còn chưa kể bệnh nhân phải đối mặt với tỷ lệ tử vong rất cao.
Chính vì thế, các thầy thuốc trong bệnh viện rất sợ vi khuẩn kháng kháng sinh. Trong khi đó, tình trạng nhiễm trùng bệnh viện ở những khoa hồi sức tích cực, khoa có bệnh nằm lâu, bệnh nặng phải can thiệp nhiều như đặt ống thông, xông tiểu, mở khí quản... đều là can thiệp khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào bệnh nhân.
Siêu vi khuẩn Acinetobacter kháng thuốc gây ra nhiều loại bệnh
Liên quan tới trường hợp 4 trẻ sơ sinh non tháng ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tử vong do nhiễm trùng bệnh viện, theo kết quả của Bệnh viện Nhi trung ương khi làm các xét nghiệm phát hiện có 3 trẻ nhiễm vi khuẩn Acinetobacter.
Acinetobacter gây viêm màng não, viêm phổi và nhiểm khuẩn huyết hoặc nhiễm trùng vết thương, và các triệu chứng khác nhau tùy theo bệnh. Vi khuẩn Acinetobacter còn kháng cả carbapenem - nhóm kháng sinh mới ra đời mạnh nhất hiện nay
TS Cường cho biết, siêu vi khuẩn Acinetobacter cũng thuộc trong các siêu vi khuẩn kháng kháng sinh này có tỷ lệ lên tới 70 – 80%.
Vi khuẩn Acinetobacter.
Ngoài ra, các vi khuẩn tụ cầu khác cũng dễ mắc trong bệnh viện có khả năng kháng với methicilin rất cao.
TS Cường cho biết, nếu người bệnh mắc phải vi khuẩn siêu kháng thuốc sẽ rất vất vả, chi phí điều trị đắt đỏ. Mặt khác người bệnh phải đối mặt với nguy cơ bệnh nặng, tử vong cao.
Theo TS Cường, ở một số nước khi xuất hiện các siêu vi khuẩn họ sẽ tiến hành cách ly, phải có hội chẩn và các biện pháp ngăn cho vi khuẩn không lây sang bệnh nhân khác. Tuy nhiên, ở nước ta một số bệnh viện chống nhiễm khuẩn có, nhưng khó vì tình trạng quá tải, không có phòng cách ly riêng, không có biện pháp an toàn, kiểm soát nhiễm khuẩn tốt.
Khi chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc phải có đội chăm sóc đặc biệt tuân thủ theo những biện pháp chống nhiễm khuẩn như thay găng, thay dụng cụ can thiệp thường xuyên để không nhiễm vi khuẩn kháng thuốc.
Nguyên nhân gây kháng thuốc
Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung của thế giới báo động về tình trạng kháng kháng sinh toàn cầu. Tuy nhiên, nước ta còn tồn tại thực trạng sử dụng kháng sinh chưa tuân thủ quy định.
Thứ nhất: Người dân sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng quy định, người bệnh cứ bị bệnh là mặc định đến hiệu thuốc nói triệu chứng, dược sĩ sẽ bán cho 5 – 7 ngày dùng kháng sinh và chỉ uống 3 ngày có khi dừng, đổi thuốc.
Người dân nước ta vẫn chưa hiểu cơ chế tác động của kháng sinh, uống thuốc này thấy đỡ, lần sau lại uống thuốc đó dù không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Thứ hai: Dù các bệnh viện, Bộ Y tế đều có ban kiểm soát kháng sinh nhưng nhiều nơi chưa thực hiện đúng. Nhiều bác sĩ khi kê đơn không chú ý dấu hiệu đâu là nhiễm trùng, đâu là do vi rút mà quy chung lại do nhiễm trùng viêm phổi, viêm họng và kê kháng sinh luôn cho bệnh nhân.
Khi kê kháng sinh phải dựa theo các kết quả chẩn đoán bệnh phẩm, kháng sinh đồ rồi mới kê kháng sinh và phải kê từ nhẹ trước. Nhưng nhiều bác sĩ lại kê luôn kháng sinh bao vây, cho kháng sinh mạnh ngay từ đầu để bệnh nhân yên tâm vì nghĩ kháng sinh mạnh sẽ chóng khỏi.
Ngoài ra, TS Cường cho biết, thực tế không ít bác sĩ còn bị chi phối bởi các công ty dược. Đôi khi họ chưa hiểu hết kháng sinh này, nhưng khi nghe hãng dược quảng cáo có kháng sinh khác họ lại quyết định đổi ngay và kê luôn loại kháng sinh đó cho bệnh nhân theo tâm lý "dùng thử".
TS Cường cho rằng, cơ quan chức năng cần đưa ra chế tài, nếu bác sĩ kê đơn sai phải chịu trách nhiệm. Đồng thời phải có biện pháp răn đe, làm thế nào để bác sĩ biết kháng sinh là con dao hai lưỡi, không phải thuốc bổ.
Kháng sinh này hôm nay còn tác dụng nhưng ngày mai chính loại kháng sinh đó có thể sẽ bị kháng, nên việc sử dụng kháng sinh phải hết sức cẩn trọng. Bác sĩ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt bút kê đơn cho bệnh nhân sử dụng bất cứ loại kháng sinh nào đó.